Huyết tương của các bệnh nhân mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã nổi lên như một "món hàng sinh lợi" trên thị trường chợ đen ở Iraq.
Lấy huyết tương từ những người mắc COVID-19 đã bình phục. Ảnh: socialnews.xyz |
Iraq hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông, với hơn 53.700 ca mắc và hơn 2.100 ca tử vong.
Các bệnh viện đều quá tải. Hệ thống y tế tê liệt khó có thể điều trị 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Sau khi Bộ Y tế Iraq thông báo nước này đã đạt được kết quả tích cực trong việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 bằng cách sử dụng huyết tương, nhiều gia đình bệnh nhân đã đổ xô vào "cuộc chiến" tìm kiếm huyết tương bằng bất cứ giá nào”.
"Một túi huyết tương có thể có giá tới 2.000 USD và nhiều người sẵn sàng trả nhiều hơn để cứu mạng sống của những người thân”, một bệnh nhân mắc Covid-19 đã bình phục chia sẻ.
Những người sẵn sàng bán huyết tương thường là người nghèo, gặp khó khăn. Họ bán huyết tương thông qua các nhà môi giới để tránh hậu quả xã hội và pháp lý.
“Buôn bán huyết tương là một "vấn đề rất nghiêm trọng" và Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy lùi tình trạng này. Việc mua bán huyết tương ẩn chưa nhiều nguy cơ tiềm tàng. Rất khó có thể đảm bảo rằng các túi huyết tương không có virus HIV hay các loại virus khác hay không”, Bác sỹ Hamid Saadi thuộc Trung tâm truyền máu quốc gia Iraq ở Baghdad nói.
Ông Saadi kêu gọi bệnh nhân mắc Covid-19 đã hồi phục tới các cơ sở y tế, tình nguyện hiến huyết tương để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Không chỉ tại Iraq, ở Pakistan, nhiều bệnh nhân cũng đã tìm đến thị trường chợ đen để mua huyết tương, tự tìm cách chữa Covid-19.
Tại hành phố Islamabad, các bác sĩ từng tận mắt chứng kiến các phi vụ giao dịch, mua bán huyết tương. Người ta cũng có thể tìm thấy những đoạn hội thoại của người mua huyết tương với “cò” trung gian trên mạng xã hội.
Sau khi thương lượng thành công, hai bên sẽ đến một phòng thí nghiệm tư nhân để trích xuất huyết tương. Giá huyết tương trên thị trường chợ đen thường dao động trong khoảng 1.200-4.200 USD.
Bác sĩ tại nhiều bệnh viện công cũng cho biết kẻ xấu liên tục trộm cắp vật tư y tế, bao gồm bình ôxy và nhiều loại thuốc giúp điều trị Covid-19. Sau đó, chúng bán lại những mặt hàng này với giá cao gấp 25 lần trên thị trường chợ đen.
Pakistan đang là “ổ dịch” có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất thế giới, với hơn 185.000 ca nhiễm và trung bình 5.000 trường hợp nhiễm mới trong một ngày.
Bộ trưởng Kế hoạch Asad Umar ước tính số người nhiễm Covid-19 có thể tăng gấp 8 lần, vượt mốc 1,2 triệu ca nhiễm bệnh vào cuối tháng 7.
Hôm 18/5, nước này đã dỡ bỏ lệnh phong toả sau phán quyết của toà án tối cao, cho rằng “Covid-19 không phải là một đại dịch ở Pakistan”. Toà còn đặt câu hỏi tại sao việc chống dịch “tiêu tốn nhiều tiền” đến vậy.
Mộc Miên (T/h)