Chợ đêm Bến Thành là nơi thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế khi đến TP.HCM nhưng lại ngập tràn hàng nhái với mức giá biến thiên, không văn minh.
Dạo một vòng quanh khu chợ đêm trong vai du khách, bạn sẽ bất ngờ trước sự đa dạng trong cả mẫu mã, xuất xứ và giá thành sản phẩm ở các gian hàng. Tuy nhiên, chẳng cần là người tinh ý bạn cũng có thể phát hiện ngôi chợ nổi tiếng này bán tràn lan hàng giả, hàng nhái.
Chợ đêm Bến Thành thu hút nhiều khách du lịch khi tới thăm TP HCM. Ảnh: Truyền hình du lịch |
Thực tế, nhiều mặt hàng được bày bán trong khu chợ đêm này là hàng nhái các thương hiệu cao cấp, nổi tiếng. Rất dễ bắt gặp những đôi giày Nike, dép Tommy Hilfiger, ví Gucci, túi Prada… được rao giá 300.000-1.000.000 đồng nhưng không có nhãn mác chứng minh xuất xứ, hoặc đi kèm nhãn mác của các công ty không có dấu hiệu liên quan đến các thương hiệu này.
Khi được PV Tri thức trực tuyến hỏi về xuất xứ hàng hóa, một tiểu thương cười trừ: "Ở đây làm gì có hàng hiệu thật".
“Tôi du lịch ở Việt Nam đã hơn một tuần nên quen với những vấn đề này rồi”, chị Ginevra - du khách Italy chia sẻ.
Một chuyên gia kinh tế cũng từ chối bình luận về vấn đề này bởi đây vốn là “chuyện muôn đời của dịch vụ xứ ta”.
Một món đồ lưu niệm được người bán báo giá ban đầu là 40.000 đồng, ngay sau đó giảm dần thành 30.000 đồng, rồi 15.000 đồng khi thấy tôi chần chừ chưa mua. Thậm chí, chiếc ví da mang thương hiệu Michael Kors được niêm yết giá 350.000 đồng vẫn có thể được mặc cả chỉ còn 250.000 đồng, hoặc thậm chí thấp hơn.
Hàng nhái thương hiệu có giá cao tràn lan tại chợ đêm Bến Thành. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Điều này khiến không ít du khách nước ngoài phải thốt lên: “Tôi luôn cảm thấy lẽ ra còn có thể trả ít hơn”.
Đánh giá về chất lượng và giá cả các sản phẩm được bán tại chợ đêm Bến Thành, chị Johanna Fuchs (du khách Đức) cho biết: “Áo thun ở một số gian hàng khá chất lượng, nhưng số khác lại có vẻ rẻ tiền; các món đồ như túi, ví hay giày dép cũng vậy. Giá cả khá rẻ so với các nơi khác, nhưng cũng phải xem khả năng mặc cả của bạn như thế nào”.
Nhờ giá cả phập phù vậy mà những tiểu thương ở đây kiếm lời khủng. Một số tiểu thương tiết lộ thu về trung bình 3-5 triệu đồng, có khi lên đến 8 triệu đồng mỗi đêm buôn bán ở chợ. Doanh thu và lợi nhuận khác nhau tùy mặt hàng kinh doanh.
Nhiều khách du lịch cho hay, họ rất thích không khí ở chợ đêm nhưng nếu quay lại họ chỉ muốn đi dạo mà chẳng mua bất cứ thứ gì. Nguyên nhân vì sao thì không cần nói ai cũng biết.
Ngày 11-12/7, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các điểm nghi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại chợ Bến Thành và Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square.
Qua đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.834 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Tất cả hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ và đăng ký kinh doanh. Tổng số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 256 triệu đồng.
Kiểm tra, thu giữ hàng giả ở chợ Bến Thành. Ảnh: Pháp luật TP HCM |
Trước đó, theo Thanh niên đưa tin, tháng 5/2019, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã đồng loạt ra quân kiểm tra 20 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách… tại chợ Bến Thành. Qua đó thu giữ gần 3.200 sản phẩm, trong đó có 1.380 sản phẩm hàng giả và 1.914 sản phẩm hàng lậu. Toàn bộ những sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như Omega, Chanel, Rolex, Rado, Gucci, CK…
Một số người bán khai mua đồng hồ, mắt kính, túi xách… có nguồn gốc Trung Quốc tại các đầu mối ở TP.HCM. Giá mua sỉ những mặt hàng này chỉ vài chục ngàn đồng mỗi sản phẩm nhưng giá bán lẻ đến tay người mua dao động từ 100.000 đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm.
Tuy nhiên, đối với chợ đêm Bến Thành, lực lượng chức năng chưa triển khai đợt kiểm tra nào.
Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền cục trưởng Quản lý thị trường TP.HCM, thừa nhận gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra mô hình chợ đêm.
“Phải có chỉ đạo và sự đồng thuận từ UBND TP, chúng tôi mới tiến hành kiểm tra được. Chợ đêm vẫn là một mô hình mới, chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, lại hoạt động với quy mô nhỏ và ngoài giờ hành chính nên việc điều động lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn, dễ khiến tiểu thương bất bình”, vị này chia sẻ.
Minh Khôi (T/h)