Cụ thể, ông Sunak hôm 15/9 cho biết, ông đã yêu cầu các bộ trưởng làm việc với cảnh sát và các chuyên gia để xác định giống chó này để cấm nó. Như vậy Bully Mỹ là giống chó đầu tiên bị cấm kể từ năm 1991, khi Đạo luật về chó nguy hiểm được ban hành.
Thủ tướng Sunak nói ông đã yêu cầu các bộ trưởng chính phủ thông qua cảnh sát và các chuyên gia về chó để xác định các đặc điểm của chó Bully Mỹ về mặt pháp lý. Chúng vốn không được các nhóm như Câu lạc bộ chó giống ở Anh hoặc Câu lạc bộ chó giống Mỹ ở Mỹ công nhận là một giống chó.
"Chúng tôi sẽ cấm giống chó này theo Đạo luật chó nguy hiểm và luật mới sẽ được áp dụng vào cuối năm nay", ông Sunak thông báo.
Theo Thủ tướng Anh, các con chó thuộc loại Bully Mỹ đã gây ra cái chết của ít nhất 14 người kể từ năm 2021 và là mối nguy hiểm cho trẻ em và cộng đồng.
Một con chó Bully Mỹ cỡ lớn. Ảnh: Wales News
Người phát ngôn của ông Sunak cũng khẳng định sẽ không có bất kỳ sự chậm trễ nào đối với lệnh cấm. Lệnh này sẽ được Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn và Bộ Nội vụ cùng thi hành.
Tuy nhiên, Liên minh kiểm soát chó đã phản đối lệnh cấm của Anh và họ "quan ngại sâu sắc về việc thiếu dữ liệu đằng sau quyết định này”.
Bên cạnh đó, trong một video được trang Daily Mail đăng tải, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông không ủng hộ lệnh cấm. "Vấn đề không phải là con chó mà là người chủ”, ông nói.
XEM THÊM:
Xót xa bé 11 tháng tuổi tử vong sau 6 giờ bị bỏ quên trong ô tô
Hai loại vũ khí đáng gờm thách thức cuộc phản công của Ukraine
Trước đó, ngày 15/9, cảnh sát Anh cho biết một người đàn ông 52 tuổi đã tử vong sau khi bị 2 con chó Bully tấn công tại Stonnall.
Vào đầu tuần này, dư luận cũng phẫn nộ sau khi xuất hiện video cho thấy một con chó Bully tấn công người trên đường phố ở Birmingham. Trong số các nạn nhân có một bé gái 11 tuổi bị thương ở vai và cánh tay.
Bốn giống chó hiện bị cấm ở Anh bao gồm chó sục Pit Bull Mỹ, chó Tosa inu Nhật, chó ngao Argentina và chó ngao Brazil.
Việt Hương (T/h)