Ngày 14/9, Ahmed Zouiten - đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Libya, cho hay: "Đã vài ngày đã trôi qua sau trận lũ quét và những thi thể mắc kẹt bắt đầu phân hủy". "Đây sẽ là một thảm họa về môi trường", người này nói tiếp.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya ngày 14/9 cho biết 11.300 người được xác nhận đã thiệt mạng trong thảm họa. 10.100 người được báo cáo mất tích, có thể đang bị chôn vùi dưới những tòa nhà đổ nát, hoặc bị dòng lũ cuốn ra biển.
Giới chức nhận định số người chết có thể lên tới 20.000, khi hy vọng tìm thấy nạn nhân sống sót dần tắt và nỗ lực cứu hộ chuyển sang tập trung vào khắc phục thiệt hại.
Ảnh vệ tinh cho thấy lũ quét xóa sổ một phần thành phố Derna của Libya.
Derna - thành phố ven biển do chính quyền của lãnh chúa quân sự Khalifa Haftar kiểm soát, bắt đầu hứng chịu nước lũ từ 10/9. Bão Daniel trút lượng mưa hơn 40 cm trong vòng 24 giờ xuống vùng duyên hải đông bắc Libya, khu vực thường chỉ mưa khoảng 15 mm vào tháng 9 hàng năm.
Một ngày sau, hai con đập trên thượng nguồn sông chảy qua Derna vỡ, tạo thành trận lũ quét "như sóng thần" cao tới 7 m ập xuống thành phố, tàn phá nhà cửa và cuốn mọi thứ ra biển.
Cựu Bộ trưởng Y tế Reida El Oakley thậm chí mô tả dòng lũ khủng khiếp hơn, dâng cao tới 6 tầng như sóng thần. Ước tính, 1/4 thành phố Derna đã bị xóa sổ.
Một người dân địa phương có tên Khaled Al-Shuwaihed gọi đây là thảm họa. "Một thảm họa thực sự. Tất cả bạn bè của tôi đều đã chết", anh nói.
Người đứng đầu ICRC cho rằng người dân Derna có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm mới có thể khắc phục hậu quả của thảm họa. ICRC hiện có một tổ công tác hỗ trợ các gia đình ở Derna khắc phục hậu quả của trận lũ. ICRC dự kiến cung cấp 6.000 túi đựng thi thể cho các tổ pháp y để đảm bảo các thi thể được xử lý, chôn cất đầy đủ.
Thi thể người chết được đưa về nhà xác ở Derna sau lũ quét ngày 13/9.
Các chuyên gia đã đưa ra một số yếu tố lý giải nguyên nhân khiến mưa bão, kéo theo lũ quét gây chết chóc như vậy ở Libya. Thứ nhất, vỡ đập xảy ra vào ban đêm khi mọi người đang ngủ, trong khi công tác cảnh báo không đầy đủ khiến cho việc sơ tán gần như không thể. Thứ hai, hạ tầng ở khu vực xảy ra thảm họa đã xuống cấp không thể chống chịu với lũ quét lớn, nhiều nhà cửa bị sập.
Sau khi càn quét Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria với lũ lụt nghiêm trọng khiến hơn 20 người thiệt mạng, bão Daniel tiến ra Địa Trung Hải, hình thành siêu bão, cuồng phong và đổ bộ vào Libya. Cơn bão mạnh lên khi nó băng qua vùng nước ấm bất thường của Địa Trung Hải, sau đó trút mưa xối xả xuống Libya vào ngày 10/9.
Các chuyên gia tin rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến thời tiết trở nên cực đoan hơn và gây thiệt hại lớn hơn.
Phương Linh (T/h)