Trước câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh của thành phố Hải Phòng về việc xây dựng nâng cấp chợ thành TTTM thất bại làm ảnh hưởng tới kế sinh nhai của tiểu thương, phát sinh nhiều chợ cóc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết việc chuyển đổi là do mô hình chợ truyền thống nhỏ lẻ có thể phục vụ số đông người dân nhưng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Chưa nói đến nhiều chợ cũng làm mất nhiều diện tích đất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận sự thất bại của mô hình Chợ - TTM. Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng ế ẩm của mô hình này như lựa chọn vị trí xây chợ - trung tâm thương mại không phù hợp, chưa tính đến tập quán mua bán của người dân từ xưa tới nay. Tâm lý người mua thích nhanh và tiện, không mất thời gian. Vào Chợ - trung tâm thương mại lại mất thời gian gửi xe, lấy xe phiền phức.
Hơn nữa, trung tâm thương mại được đầu tư hiện đại nên các chi phí mặt bằng, vận hành khi cộng với giá gốc hàng hóa cũng khiến giá cao hơn một chút so với mua ở chợ truyền thống.
Để giải quyết được vấn đề này này, bản thân các chợ - trung tâm thương mại ở mỗi địa phương phải tự khắc phục, kết hợp với hàng hóa ở chợ đầu mối để có giá thành rẻ, cạnh tranh hơn, lưu ý tới tập quán mua sắm của người dân để thay đổi.
Đến nay, chuyện chợ đang đông khi xây thành trung tâm thương mại lại bị ế đã không còn là chuyện xa lạ. Chỉ mới cách đây 1 tháng, tiểu thương chợ Thành Công (Hà Nội) đã phản đối xây chợ thành TTTM, trước đó là tiểu thương ở chợ Tân Bình, Tp.HCM. Bởi thất bại đã được chứng minh qua nhiều bài học như Chợ hàng Da, chợ Mơ (Hà Nội) đều ế ẩm sau khi xây thành TTTM.
Theo số liệu từ Sở Công thương HN và TPHCM, hiện TP.HCM có 25 TTTM, còn Hà Nội có đến 28 TTTM. Dự tính đến 2020, con số này sẽ là TP.HCM sẽ có 92, Hà Nội là 36.