Tờ The Times of Israel đưa tin, mục đích chống Hamas của Israel sau vụ tấn công đẫm máu ngày 7/10 do Hamas khởi xướng là nhằm hủy cơ sở hạ tầng của phong trào Hồi giáo này và xoá bỏ tận gốc Hamas.
Qua các nguồn tin, The Times of Israel được biết sau hơn 16 ngày không kích, IDF nói với chính phủ rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza và tin rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đặt ra, ngay cả khi đối mặt với thương vong nặng nề cho binh lính và trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah đang diễn ra ở phía Bắc.
Tuy nhiên, quân đội Israel lo ngại rằng chính phủ có thể không bao giờ ra lệnh bắt đầu cuộc tấn công trên bộ ở Gaza hoặc trì hoãn nó trong một thời gian dài.
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 23/10/2023.
Liên quan tới việc tiến công trên bộ ở Gaza, Đài RT của Nga dẫn phát biểu của người phát ngôn IDF, Trung tá Jonathan Conricus cho biết Israel sẽ không tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza nếu Hamas đầu hàng "vô điều kiện" và giải thoát tất cả con tin.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Australia (ABC) hôm 23/10, ông Conricus đã né tránh câu hỏi tại sao Israel dường như đang trì hoãn hoạt động trên bộ của mình. Thay vào đó, người phát ngôn IDF chỉ đơn giản tuyên bố rằng quân đội Israel sẽ “xóa bỏ hoàn toàn Hamas” và “đưa người dân của chúng tôi về nhà”.
Ông Conricus giải thích rằng Israel muốn dựa vào các cuộc không kích, tránh để quân đội đối mặt với nguy hiểm một cách không cần thiết. Tuy nhiên, ông Conricus cho rằng cách tiếp cận như vậy có thể chưa đủ để loại bỏ tận gốc các tay súng Hamas.
Ông Conricus tuyên bố: “Nếu Hamas bước ra khỏi nơi mà họ ẩn náu phía sau dân thường… và trao trả con tin của chúng tôi, tất cả 212 người trong số họ, và đầu hàng vô điều kiện, thì chiến tranh sẽ kết thúc”.
Theo ông Conricus, nếu các tay súng Palestine không tuân thủ các điều kiện này, "chúng tôi có thể sẽ phải tiến vào (Dải Gaza) và hoàn thành công việc của mình".
Cũng liên quan đến tìnnh hình chiến sự Hamas - Israel mới nhất, ngày 23/10, Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đã cảnh báo tình hình ở Dải Gaza hiện là "thảm họa nhân đạo thực sự".
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, UNRWA đã chia sẻ tin nhắn từ người dân ở Gaza, những người nói rằng họ sống trong cảnh cạn kiệt nước và không có điện trong 12 ngày.
Các tin nhắn cho thấy một số người đang phải sử dụng nước chưa qua xử lý để uống và sắp hết nhiên liệu để nấu ăn.
Cơ quan y tế Palestine tại Bờ Tây xác nhận, tính đến ngày 23/10, ít nhất 5.087 người đã thiệt mạng và 15.273 người bị thương ở Gaza kể từ khi xung đột bùng phát giữa Israel và lực lượng Hamas hôm 7/10.
Trong khi đó, tại Bờ Tây, ít nhất 95 người Palestine đã thiệt mạng và 1.828 người bị thương kể từ sau cuộc tấn công của Hamas và các đòn đáp trả đũa của Israel.
Theo cơ quan y tế, Dải Gaza đã ghi nhận 250 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, khiến một phần lớn dân số không được hỗ trợ y tế đầy đủ.
Người Palestine đứng trên các ngôi nhà đổ nát ở phía bắc Gaza.
Cơ quan y tế cũng cảnh báo về tác động đối với cơ sở hạ tầng y tế khi cho biết 10 trong số 35 bệnh viện ở Dải Gaza - tương đương 28% cơ sở - hiện không hoạt động. Trong số này, 9 bệnh viện đã bị "phá hủy hoặc ngừng hoạt động".
Ngành y tế cũng mất thêm 54 nhân viên y tế và hơn 90 người bị thương. Xe cứu thương cũng bị ảnh hưởng, với 50 chiếc bị trúng đạn và 23 chiếc hiện không hoạt động.
Theo giới chức y tế, các loại dịch bệnh do môi trường y tế xuống cấp cũng xuất hiện. Các bệnh viện gần như sụp đổ, phải hoạt động hơn 150% công suất.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức các ca phẫu thuật được tiến hành mà không cần gây mê và trong một số trường hợp, dưới ánh sáng của đèn điện thoại.
"Bệnh nhân đang được điều trị ở hành lang, trên sàn nhà và những nơi không phù hợp khác. Ví dụ, cơ sở y tế Al-Shifa đang điều trị cho 5.000 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi sức chứa chỉ có 700 người", cơ quan y tế Palestine cho biết thêm.
Phương Linh (T/h)