(ĐS&PL) Mặc dù trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội, song đặc trưng cơ bản và những vấn đề nổi bật của nông thôn châu thổ sông Hồng trong nhiều thập kỷ vẫn còn in đậm cho đến ngày nay. Gần đây, nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đồng bằng sông Hồng đã thu hút được sự chú ý của giới nghiên cứu và các nhà quản lý. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Nông dân đồng bằng sông Hồng với xây dựng HTX Nông nghiệp: Phần 2: Châu thổ sông Hồng và những nét riêng của nông dân trong khu vực" của TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên - Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Đồng bằng sông Hồng là tên gọi chung cho vùng đất do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Không giống như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là không có núi, do đó khu vực này còn được gọi là "châu thổ sông Hồng".
Thực hiện Nghị Quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các tầng lớp nông dân và hộ nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng đã tích cực thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012, Theo đó, đã xây dựng được nhiều mô hình HTX nông nghiệp, thực sự hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế hộ gia đình và mở ra những triển vọng mới để tái cơ cấu và đổi mới sản xuất nông nghiệp phục vụ hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm nổi bật củả nông nghiệp gia đình, những nhân tố mới và các điển hình trong xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới ở vùng châu thổ sông Hồng, Chuyên đề sẽ tập trung vào những khía cạnh nổi bật để cùng trao đổi.
Loạt bài viết sẽ đề cập đến nông nghiệp gia đình; nét riêng của nông dân châu thổ sông Hồng; Kinh tế hợp tác và bản chất của Hợp tác xã; Thực trạng phát triển HTX nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng những năm gần đây và những mô hình HTX nông nghiệp mở dường cho phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với trình độ của kinh tế hộ nông dân trong vùng.
Châu thổ là một trong hai vùng kinh tế lớn của miền Bắc Việt Nam (vùng Núi và Trung du phía Bắc gồm Đông Bắc,Tây Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng). Từ xa xưa, người Việt đã cư trú tại đây với đặc điểm chủ yếu là trồng lúa nước và cư trú kép kín trong các làng xã. Vùng là cái nôi của văn minh sông Hồng, nền văn minh đồ đồng phát triển rực rỡ với trống đồng, thạp đồng và mũi tên đồng. Là một trong những vùng kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt trong phân công lao động của cả nước, đây là vùng có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào và mặt bằng dân trí cao (Cồ Việt 2019).
Nằm ở phía Nam của đường chí tuyến Bắc, châu thổ sông Hồng có toạ độ địa lí 220 - 21030' B và 105030' - 1070 Đ , bao gồm toàn bộ đồng bằng châu thổ màu mỡ và dải đất rìa trung du với một số tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch và vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng. Toàn vùng có diện tích trên 14.860 km²,chiếm khoảng 4,5% tổng diện tích cả nước. Phía Bắc và Đông Bắc là vùng Đông Bắc, phía Tây và Tây Nam tiếp giáp vùng Tây Bắc, phía Đông là vịnh Bắc Bộ còn phía Nam là vùng Bắc Trung Bộ. Đồng bằng sông Hồng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ các thềm phù sa cổ (10 - 15m) đến các bãi bồi ở trung tâm (2 - 4m) rồi tới các bãi hàng ngày còn ngập nước triều.
Như tên gọi của vùng, sông Hồng đã gắn bó từ ngàn đời nay với cư dân của vùng đồng bằng trên địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao từ 0,4 - 12m so với mực nước biển. Ngoài ra, còn có một số đồi với cấu tạo cacxtơ đá vôi dọc hai cánh Tây Nam và Đông Bắc. Vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22,5 - 23,50C. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, vùng còn là cầu nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ, đồng thời cũng nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng có thủ đô Hà Nội là trung tâm công nghiệp, hành chính, chính trị của cả nước... Nhờ tiếp giáp với hơn 400km bờ biển, có cửa ngõ thông qua cảng Hải Phòng, vùng dễ dàng mở rộng giao lưu với các vùng và nhiều quốc gia.
Tài nguyên thiên nhiên của vùng khá đa dạng, đặc biệt là đất phù sa sông Hồng, nơi có nhiều khả năng để sản xuất lương thực, thực phẩm. Trên thực tế, đây là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước, sau Ðồng bằng sông Cửu Long. Đất đai sử dụng cho nông nghiệp có trên 70 vạn ha, chiếm 56% tổng diện tích tự nhiên, trong đó 70% đất có độ phì từ trung bình trở lên. Nhìn chung, đất đai trong vùng khá màu mỡ do được phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Nguồn nước cả trên mặt lẫn nước ngầm đều có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, do tình trạng quá thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô, cũng dẫn đến nhiều thách thức.Nhìn chung, điều kiện khí hậu thuỷ văn trong vùng thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, có mùa đông phù hợp với một số cây trồng phù hợp với nhu cầu của các nước ôn đới trong mùa đông giá lạnh không canh tác được. Là vùng đất nằm quanh khu vực hạ lưu , châu thổ sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước. Vào năm, 2016 dân số toàn vùng có hơn 21 triệu người, chiếm 22% tổng dân số cả nước, bình quân 1.413 người/Km2. Dân cư đông nên vùng có lợi thế lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất với chất lượng cao, tạo ra thị trường có sức mua lớn (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia2019).
Vào những năm 30 của thế XX, khi nghiên cứu về châu thổ Bắc Kỳ, nhà nghiên cứu địa lý nhân văn người Pháp Pierre Gourou đã coi châu thổ Sông Hồng là cái nôi của nền văn minh và thuộc loại châu thổ đông dân nhất trên thế giới. Với dự báo dân số vào năm 1984 lên tới 13 triệu người, đạt mật độ trung bình 860 khẩu/Km2, mối quan ngại lớn nhất của P. Gourou là, châu thổ này đã không nuôi nổi mật độ dân 430 người/ Km2 thì làm sao có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực khi mật độ dân số tăng lên gấp đôi. Thế nhưng, với người nông dân bản địa, trong vòng 70 năm qua, mối lo ngại này đã không diễn ra. Ngược lại, đến năm 1998, khi dân số châu thổ Sông Hồng lên tới 14,2 triệu người (tăng gấp 2,2 lần) và đất canh tác bình quân đầu người giảm 3,35 lần (Từ 1.846 m 2 xuống còn 551 m 2 );sản lượng lương thực bình quân đầu người vẫn đạt trên 439 Kg cao gấp 1,6 lần thời điểm P.Gourou dự báo. Đây chính là đặc điểm phản ánh nổi bật tính chất lao động của người dân vùng châu thổ.
Từ những phân tích khoa học, GS Đào Thế Tuấn nhìn nhận, sở dĩ vùng đồng bằng sông Hông (ĐBSH) đã giải quyết được vấn đề sản xuất nông nghiệp của mình vì đã làm theo lời khuyên của Pierre Gourou. Người dân châu thổ sau khi đã thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất khác nhau, họ đã quay về với nền kinh tế gia đình nông dân và giải quyết được việc phát triển một cách xuất sắc (Đào Thế Tuấn 2003).
Pierre Gourou từng ghi nhận, con người là sự kiện địa lý quan trong nhất của châu thổ, họ đã nhào nặn nên địa hình bằng chính đôi tay của mình. Toàn bộ cây cối đều do con người trồng lên…, không một tấc đất nào lại không được người dân đào xới….ở nông thôn rất đông dân và không khi nào mà không nhìn thấy đông dảo nông dân trên đồng ruộng. Trong một đất nước như thế, con người được đánh gia cao hơn tất cả và nhà địa lý học phải nghiên cứu họ một cách cẩn thận, nêú muốn hiểu được các sự kiện về con người và hình thể của đồng bằng (Pierre Gourou 2003).
Nông dân là chủ đề được quan tâm nghiên cứu khi bàn về nông nghiệp, nông thôn. Quan hệ ứng xử của người nông dân có những tác động mạnh mẽ tới điều kiện sống và quá trình phát triển của vùng. Sự khác biệt về địa lý là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự khác biệt văn hóa tại mỗi địa phương. Ở từng vùng miền với sự khác biệt nền tảng văn hóa sẽ tạo nên những tư duy và cách nhìn khác nhau, được thể hiện qua cách ứng xử, thái độ và quan điểm sống của mỗi con người.
Khác với cung cách ứng xử của nông dân ở các nước phát triển, tại châu thổ Sông Hồng, nơi đất đai hạn hẹp và được chía đều, từ xa xưa người dân đã coi ruộng đất như một thứ tài sản để đảm bảo cho sự an toàn và tạo sự khác biệt trong cách ứng xử. Trong tâm thức của người nông dân, ruộng đất được cho là “tài sản của gia đình”, là thứ “thiêng liêng mang tính cha truyền con nối và gắn liền với cá nhân gia đình”.Nhìn nhận về phương tiện canh tác của nông dân châu thổ sông Hồng, P.Gourou đã từng nhấn mạnh đến tính chất nổi bật là ruộng đất manh mún, sự xé nhỏ ruộng đất khiến số thửa ruộng trên diện tích châu thổ đã lên tới 16 triệu mảnh vào những năm 1930.
Điểm khác biệt trong lựa chọn không gian sản xuất của người nông dân tại châu thổ Sông Hồng là không có sự phân định giữa khu vực gia đình và nơi sản xuất. Do làng quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ “đóng kín” đến mức làng thành một thế giới riêng, không gian sản xuất nông nghiệp gắn với gia đình, đã hình thành nên những mô hình sản xuất hộ gia đình gắn kết với làng quê truyền thống từ nhiều đời (Nguyễn Thanh Thuỷ 2019).
Cùng với những khác biệt trên đây, quan hệ thân tộc cũng là đặc điểm nổi bật khi nghiên cứu về mô hình kinh tế hộ gia đình ở khu vực Sông Hồng. Theo truyền thống, người con trai trưởng có trách nhiệm thờ cúng bố mẹ. Vị trí này không ai có thể thay thế, khi người con trai trưởng còn sống. Tiếng nói của con trưởng có sức mạnh trong việc cố kết thành viên trong gia đình, dòng họ nhằm thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình, dòng tộc. Và điều này cũng là một trong những lý do để giải thích cho tính “gia trưởng” nảy sinh trong các hoạt động cộng đồng.
Nhìn nhận về nông nghiệp gia đình ở châu thổ sông Hồng trong bối cảnh làng xã còn là cái khung nhận diện cho xã hội nông thôn, nhiều nhà phân tích cho rằng, tính thụ động và an phận là một đặc trưng cố hữu. Từ đây, để thay đổi một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và công nghiệp hóa thì người nông dân châu thổ Sông Hồng trước hết cần phải thay đổi tư duy vốn đã ăn sâu trong tiềm thức. Để nông nghiệp tự cung tự cấp dần được thay thế bởi một nền sản xuất hàng hóa thì ở đó, người nông dân cần phải vượt qua tư duy sản xuất để sinh tồn, hướng tới hợp tác liên kết để tạo dựng nền sản xuất nông sản hiện đại.
TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên