Theo Reuters, sau những đợt nắng nóng gay gắt tấn công phần lớn lục địa vào tháng 4, nhiệt độ lại tăng vọt trong cuối tháng 5 - thời điểm vốn thường bắt đầu mùa gió mùa mát mẻ hơn
Các khu vực của châu Á bị ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây. Một liên minh quốc tế gồm các nhà khoa học cho biết đây là sự kiện "200 năm mới có một lần" và "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nắng nóng gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh:Reuters
Nhiệt độ kỷ lục lên tới 45°C đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia bao gồm Bangladesh, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Indonesia cũng đang phải gồng mình chống cháy rừng, mất mùa do mùa khô khắc nghiệt. Bà Owikorita Karnawati, người đứng đầu BMKG, cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý của Indonesia cho biết, tác động của kiểu thời tiết El Nino đang đe dọa mùa màng và làm tăng nguy cơ cháy rừng.
“Nhìn vào dữ liệu chúng tôi có, El Nino bắt đầu vào tháng 6 và sẽ ảnh hưởng đến hầu hết cả nước và trở nên tồi tệ hơn cho đến tháng 9”, bà Karnawati cảnh báo.
Theo bà Karnawati, El Nino sẽ gây ra hạn hán nghiêm trọng trên các đảo chính của Indonesia, với một số đảo khả năng không có mưa hoặc chỉ có 30% lượng mưa thông thường.
Bà Dwikorita lưu ý: “Điều này sẽ làm giảm lượng nước ngầm, tác động đến nông nghiệp và tưới tiêu, mất mùa cũng như cháy rừng”, đồng thời kêu gọi các bên liên quan chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết.
Theo Ngân hàng Thế giới, Indonesia đã trải qua các vụ cháy rừng tàn khốc vào năm 2019, bao phủ cả nước và khu vực bằng khói mù, gây thiệt hại kinh tế khoảng 5,2 tỷ USD ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng.
Tại Trung Quốc, Thượng Hải trải qua ngày nóng nhất trong tháng 5 trong hơn một thế kỷ vào 29/5. Một ngày sau, một trạm thời tiết ở trung tâm sản xuất công nghệ Thâm Quyến cũng ghi nhận kỷ lục nhiệt độ tháng 5 là 40,2 độ C. Đợt nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp phía Nam Trung Quốc trong vài ngày nữa.
Ấn Độ, Pakistan và Đông Nam Á đã trải qua đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 4, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng trên diện rộng và làm tăng các ca sốc nhiệt. Bangladesh cũng ghi nhận thời điểm nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan đạt kỷ lục 45 độ C.
Đợt nắng nóng tháng 4 "có khả năng cao gấp 30 lần" do biến đổi khí hậu, một nhóm các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết vào tháng trước và nhiệt độ tăng đột biến hiện nay "có thể do các yếu tố tương tự gây ra", chuyên gia Chaya Vaddhanaphuti từ Đại học Chiang Mai của Thái Lan - thành viên nhóm nghiên cứu - lưu ý.
Ấn Độ và các quốc gia khác đã thiết lập giao thức để đối phó với các rủi ro sức khỏe phát sinh từ nhiệt độ cực cao, mở các "phòng mát" công cộng và áp đặt các hạn chế đối với công việc ngoài trời, nhưng chuyên gia Vaddhanaphuti cho rằng các chính phủ cần lập kế hoạch tốt hơn, đặc biệt là để bảo vệ những cộng đồng dễ bị tổn thương hơn.
Nhiều khu vực ở Châu Á đạt mức nắng nóng kỷ lục. Ảnh: Shutterstock
Các nhà nghiên cứu Đại học Bristol cảnh báo hồi tháng 4 rằng những khu vực ít khi xảy ra hiện tượng nhiệt độ cực cao trước đây có thể gặp rủi ro cao nhất. Nhóm xác định miền Đông nước Nga cũng như thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và các quận xung quanh là nơi dễ bị tổn thương hơn.
Trong một nghiên cứu khác công bố vào tuần trước, các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỉ người sẽ tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm nếu thế giới vẫn tiếp tục tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này, trong đó Ấn Độ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Malaysia, quốc gia đang phải đối phó với đợt nắng nóng trong những tháng gần đây, được dự báo sẽ trải qua các hiện tượng El Nino từ tháng 6 trở đi, Nik Nazmi Nik Ahmad, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu nước này lưu ý.
Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới. Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết vào cuối tháng trước, sản lượng dầu cọ thô của quốc gia này có thể giảm từ 1 đến 3 triệu tấn vào năm tới do El Nino.
Việt Nam, nhà sản xuất thủy điện lớn thứ 9 toàn cầu, hiện đang phải đối mặt với một đợt nắng nóng kéo dài và đã chứng kiến sản lượng giảm 10,5% trong quý đầu năm nay so với năm trước.
Theo các nhà phân tích, những dấu hiệu ban đầu của thời tiết nóng và khô do El Nino gây ra đang đe dọa các nhà sản xuất lương thực trên khắp châu Á, với sản lượng dầu cọ và gạo có thể bị ảnh hưởng ở Indonesia và Malaysia - nơi cung cấp 80% dầu cọ của thế giới - và Thái Lan.
Thùy Dung (t/h)