(ĐSPL) - Tai nạn đã vĩnh viễn cướp đi đôi tay từ năm 14 tuổi, những Lý Láo Lở không đầu hàng số phận, ngược lại cậu coi đó là động lực để “vẽ bức tranh” cuộc đời mình bằng đôi tay tật nguyền...
|
Mọi sinh hoạt hàng ngày, chàng sinh viên Người Dao đều có thể tự làm được bằng 2 khuỷu tay của mình |
Tìm về kí túc xã Mễ Trì trên đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hỏi về chàng trai người dân tộc Dao sinh năm 1987 tên Lý Láo Lở, không ai không biết đến cậu sinh viên K57 Khoa Khoa học Quản Lý Trường Khoa học xã hội và Nhân văn giàu nghị lực, vượt lên số phận. Dù không còn đôi tay, nhưng Lở chẳng thua kém các bạn cùng trang lứa, ngày ngày vẫn đạp xe tới trường, sử dụng thành thạo máy vi tính...
Lý Láo Lở sinh ra ở mảnh đất sơn cước “nơi con sông Hồng chảy về đất Việt”, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai. Mồ côi mẹ từ hồi còn chập chững biết đi nên đối với Lý Láo Lở, hình ảnh mẹ mờ nhạt trong tâm trí. Chín năm trung học, Lý Láo Lở phải băng rừng vượt núi đi bộ đến trường. Nhớ lại ký ức trẻ thơ theo học cái chữ, Lý Láo Lở kể: “Nhà mình nghèo lắm, trường cách xa nhà hơn 11 cây số, xe đạp không có nên mình phải đi bộ tới trường. Sáng nào cũng vậy, khi mặt trời chưa mọc mình đã rảo bước đến trường. Nhiều hôm đến trường mà bụng sôi sùng sục, khiến mình đói lả, có lần đói quá không đứng dậy nổi phải hái trộm đu đủ của những nhà dân xung quanh và uống nước suối để tiếp tục chặng đường đến trường”.
Kể về kỷ niệm đơn đau phải chia lìa đôi tay, Lý Láo Lở nói: “Năm học lớp 8, trong một lần sinh hoạt chung tại trường, mình không may bị điện cao thế phóng và vĩnh viễn mất đi đôi tay. Sau nhiều ngày nằm cấp cứu trong bệnh viện, lúc tỉnh dậy biết phải cắt bỏ đôi tay, mình nghĩ sẽ không vượt qua nổi. Phải nói thật, ý nghĩ tự tử le lói trong mình, nhưng không đủ can đảm làm cái chuyện dại dột ấy...”.
“Mình thấy bực bội khi không thể tự làm được gì, đến ăn cũng được bón. Nếu cứ mãi thế, cuộc sống của mình sẽ phải phụ thuộc vào người khác. Thời gian trôi qua cũng với những lời tâm sự, động viên của các bạn trong lớp và thầy cô giáo nên mình đã vượt qua tất cả. Không phụ lại sự quan tâm của những người xung quanh, mình cố gắng làm những gì có thể, tập ăn, tập cầm chổi quét nhà, cho lợn ăn rồi đến cầm bút...” - Chàng sinh viên Khoa học quản lý nói.
|
Đi xe đạp bằng 2 khuỷu tay để đến trường |
Đúng vậy, tưởng chừng như số phận đã chấm dứt cuộc đời của Lý Láo Lở. Tuy nhiên đằng sau những giọt nước mắt ấy là ý chí thay đổi số phận. Sau khi phải cắt bỏ đôi tay, Lý Láo Lở phải tự nỗ lực rất nhiều để có thể vận động lại bình thường như những người khác, khó khăn nhất lúc đầu có lẽ là việc tự mặc quần áo, nhưng theo thời gian chàng trai người Dao này đã dần quen với thiệt thòi không có đôi tay nên cậu tự mình tập và thích nghi với cuộc sống.
Kể về tháng ngày cầm bút không bằng đôi tay, Lý Láo Lở chia sẻ, mình dùng mọi cách khác nhau để viết như dùng bằng chân và dùng dây buộc bút vào tay nhưng cả hai cách này đều không được. Không từ bỏ, mình dùng hai tay kẹp vào nhau, ban đầu khó vô cùng chẳng khác gì ngày mới đi học lớp một cả. Viết bằng cách này nhiều, khuỷu tay phải tỳ xuống nhiều nên hay bị rát và xước lắm. Nhiều hôm làm bài thi, cố gắng làm nên tay bị chầy xước vết máu dính vào bài viết.
Sau hơn một nghìn ngày chiến đấu với khó khăn khi bắt đầu tập làm mọi thứ bằng đôi chân thô kệch, lóng ngóng, Lý Láo Lở quyết tâm đi học lại. Cậu tập viết lại những nét chữ nghuệch ngoạc bằng đôi tay khuyết tật. Lúc đầu mọi việc thấy khó khăn, sau một năm tập luyện, cậu đã có thể dùng phần còn lại của hai cánh tay kẹp chặt bút và viết thành thạo.
Ba năm theo học học trường THPT số 2 Bát Xát, do nhà cách trường 70km nên chàng trai này đã phải rời xa gia đình để trọ học. Kinh tế khó khăn, đường xá không thuận tiền nên phải 1-2 tháng mới được về nhà một lần. Thiếu vắng tình thương mẫu tử, một mình bươn chải, nhưng Lý Láo Lở vẫn đạt thành tích học tập tốt. Tốt nghiệp THPT, Lý Láo Lở vừa học Cao đẳng Kế toán ở Lào Cai vừa đi làm thuê kiếm tiền ăn học. Lở phải ở trọ xa nhà, chặng đường đến từ phòng trọ đến lớp hơn chục cây số mà không có xe buýt, một khó khăn mới cậu sinh viên này phải đối đầu. Không từ bỏ, Lý Láo Lở tự tập đi xe đạp, lúc đầu đầu chưa thiết kế được cái xe phù hợp với nên Lở hay bị ngã xước khắp mình vì đi khó lắm nhưng sau đấy Lở đã chế hai chiếc ống nhựa nối với ghi đông để gắn với phần cánh tay còn tại.
Lở chia sẻ: “Mình chưa bao giờ nghĩ mình có thể đi được xe đạp vì tay không thể nào giữ được, nhưng vì đam mê muốn đi xe đạp đến trường nên mình đã làm ra cái xe đạp theo ý của mình”.
Đi xe đạp này đến trường vừa an toàn lại giúp tiết kiệm thời gian, nhiều khi đi học, Lở còn chở thêm được bạn cùng phòng cùng đi với mình. Nhận được suất học bổng đầu năm học cùng số tiền cô giáo chủ nhiệm hỗ trợ, Lở mua máy tính xách tay để việc ghi chép đỡ vất vả hơn. Có máy tính, cậu tự mình luyện cách dùng và đến giờ đã sử dụng thành thạo nhưng điều khó nhất là khi sử dụng tổ hợp phím câu phải dùng cả hai tay nên rất khó dùng. Trong lúc đang học cao đẳng, Lở được các thầy cô giới thiệu về Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ban đầu định học Khoa Sử nhưng sau khi tham khảo ý kiến thầy cô, Lở quyết định nộp hồ sơ vào khoa Khoa học Quản lý và được tuyển đặc cách.
Lở cho biết lí do chọn trường này vì nó phù hợp với những người như mình. Đồng thời, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn còn là môi trường tốt cho cậu cơ hội học tập, rèn luyện và hòa nhập với cộng đồng cũng như phát huy được năng lực của bản thân.
|
Nghị lực phi thường của chàng thanh niên Lý Láo Lở |
Khi bước chân vào cánh cổng đại học, đối diện với những bài thi Lở đã cố gắng hết sức chăm chỉ học bài để đạt điểm số cao nhất. Nhiều khi đang làm bài thi chưa xong mà đã không còn thời gian Lở tiếc lắm vì cậu chưa viết hết ý nên chỉ đủ điểm qua chứ không được điểm cao như những người khác, lúc đó Lở chỉ ước giá như đôi tay cậu không tật nguyền thì mọi chuyện đã tốt hơn.
Trong suốt thời gian học đại học cho đến bây giờ, để được đến trường Lở được sự giúp đỡ của những người Hàn Quốc tốt bụng. Đối với chàng sinh viên này, cậu coi họ như những người thân thiết trong gia đình luôn ở bên và động viên Lở trong những lúc khó khăn nhất. Chính nhờ họ mà ước mơ đến với cánh cổng tri thức của chàng sinh viên này ngày một gần hơn bao giờ hết. Sau hai năm học đại học nơi phồn hoa Hà Thành, Lở vẫn giữ trọn nguyên ý chí học tập, xây dựng quê hương yêu dấu Lào Cai.
Chia tay chàng sinh viên giàu nghị lực trong lòng tôi luôn ám ảnh một câu nói: “Nghề nghiệp ổn định sẽ giúp mình có cuộc sống tốt hơn. Với chuyên ngành của mình, sau này mình muốn có thể được làm việc tại quê hương để có thể có cuộc sống mới cũng như giúp đỡ được nhiều khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhìn thấy nụ cười hiền lành của cậu sinh viên luôn nở trên môi ta mới thấy thật khâm phục những người khuyết tật như Lở không tự ti, biết tự thân vận động và chăm chỉ trong học tập để vươn lên trong cuộc sống. Một biểu tượng của ý chí và nghị lực “Tàn” nhưng không phế…”