Đồng cảm bởi chung cảnh ngộ…
Anh Võ Đăng Khoa, 27 tuổi, hiện đang sinh sống tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Anh là Ủy viên BCH Viện Nghiên cứu - Phát triển và Quảng bá võ học Việt Nam; Chủ nhiệm CLB Võ học dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.
6 năm trước, bởi gặp tai nạn giao thông trên đường đi học khiến anh Võ Đăng Khoa bị chấn thương nghiêm trọng: Nứt sọ trán, khiếm thị vĩnh viễn và khứu giác không còn. Khi ấy, anh đang theo học trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM với nhiều hoài bão, ước mơ.
HLV Võ học dành cho người khuyết tật Võ Đăng Khoa ngồi bên phải trong bức hình. (Ảnh: NVCC)
Vượt lên số phận bất hạnh, chàng thanh niên đăng ký vào Mái ấm khiếm thị (quận Tân Phú, TP. HCM) tiếp tục hoàn thành chương trình đại học. Ở đây, anh Đăng Khoa được giáo dục phương pháp đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Với nỗ lực của thầy cô giáo, nhiều môn học thậm chí tưởng như người khuyết tật không thể theo học nhưng ở nơi đây đã giảng dạy thành công như: Môn tin học, hoạt động thể dục…Vượt lên bão bệnh, anh Đăng Khoa xuất sắc hoàn thành chương trình đại học, tốt nghiệp đúng thời hạn trước sự thán phục của bạn bè, thầy cô.
Ra trường, chàng trai trẻ chứng minh cho mọi người thấy mình là người “tàn nhưng không phế”, nỗ lực lao động, trau dồi kiến thức như một thanh niên có sức khỏe bình thường. Anh trở thành HLV đào tạo võ thuật cho những học viên kém may mắn như mình.
Anh Võ Đăng Khoa chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Tuy đứng trước số phận nghiệt ngã nhưng chưa bao giờ tôi nản chí, chán chường, coi mình là kẻ vô dụng. Bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn sôi sục trong tôi, hướng tôi đến lối sống tích cực và những hoạt động ý nghĩa. Tôi đồng cảm với những người khiếm khuyết, người nghèo khổ. Tôi muốn cùng mọi người xây dựng hoạt động ý nghĩa, thiết thực cho những mảnh đời kém may mắn. Giúp họ gạt bỏ mặc cảm, sớm hòa nhập với cộng đồng”…
Mỗi ngày, nông sản được vận chuyển đến những người khó khăn trong khu vực giãn cách.
Trước thời điểm giãn cách, chàng HLV võ thuật đã xuất hiện trên một chương trình về tinh hoa Võ thuật cổ truyền Việt Nam, muốn truyền tải tinh thần lạc quan, lợi ích và ý nghĩa nhân văn mà võ thuật đem lại.
Đặc biệt, vừa qua, anh Đăng Khoa tham gia Hội thao Năng động người khuyết tật do Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. HCM tổ chức và đạt 1 Huy chương Vàng nội dung bật xa người khiếm thị và 1 Huy chương Bạc nội dung chạy 60m nam điền kinh khiếm thị.
Trao gửi yêu thương…
Những ngày qua, tại TP. HCM cùng một số tỉnh thành miền Nam nhiều hoạt động đều tạm dừng, người dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội tránh để lây lan dịch bệnh.
Điều này khiến cuộc sống người dân gặp không ít xáo trộn, đặc biệt là những người khuyết tật, người lao động nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người bán vé số… Những ngày Sài Gòn không bị “bệnh”, cuộc sống của họ đã gặp khó khăn vô vàn, đồng tiền kiếm được gói gọn chi tiêu trong ngày. Giờ dịch bùng phát, họ không thể ra ngoài kiếm tiền trang trải cuộc sống, ngày ngày quanh quẩn với bốn bức tường tại xóm trọ nghèo, lương thực thực phẩm tích trữ dần cạn kiệt.
"Tàn nhưng không phế", anh Đăng Khoa luôn duy trì lối sống tích cực và truyền sự lạc quan, vui vẻ, ấm áp tới những người khuyết tật khác.
Thấu hiểu những thiếu thốn ấy, anh Võ Đăng Khoa cùng CLB Võ học dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi đã kết nối với các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nhờ tấm lòng nhân ái của anh, hàng trăm chuyến xe vận chuyển nông sản như: Khoai lang, rau xanh, bầu, bí…đã tới những nơi cần tới, tới những con người thực sự cần giúp đỡ.
Hàng trăm xuất quà đã kịp thời được gửi tới: Mái ấm La Van, Làng May mắn SOS (quận Bình Tân, TP. HCM), Mái ấm tình thương An Lạc Hạnh, Mái ấm khuyết tật Ước mơ, Mái ấm tình thương Phúc Lâm (tỉnh Đồng Nai) và tổ chức Thiền tự Phước Quan - nơi tập trung nhiều bà con lao động nghèo khổ sinh sống.
HLV Võ học Võ Đăng Khoa cho biết: “Có nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ mọi người. Khó khăn lớn nhất gặp phải là thiếu tình nguyện viên. Việc vận động mọi người tham gia góp sức rất khó, đặc biệt là trong những ngày dịch bệnh bùng phát, số người bị nhiễm cao. Thiếu người hỗ trợ như vậy nên xe tải chở nông sản chỉ có một bác tài xế kiêm việc lái xe lẫn vận chuyển hàng hóa, công việc khá cực nhọc. Nhưng may mắn, chúng tôi nhận được sự đồng hành từ các đơn vị nhận hàng cứu trợ, họ luôn sắp xếp người tháo dỡ nông sản”.
“Vừa rồi, một xe chở nông sản từ TP. HCM đi Đắk Nông rồi qua Đồng Nai gặp bất cập khi quay đầu xe về thành phố. Chỉ thị giãn cách xã hội ban hành gấp nên khi xe về TP.HCM đã gặp nhiều chốt kiểm tra, bác lái xe phải test nhanh COVID-19 nhiều lần. Điều này ảnh hưởng đến thời gian hoạt động của câu lạc bộ nhưng bác vẫn nghiêm túc thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”, anh Đăng Khoa chia sẻ về khó khăn từng gặp phải.
Đồng cảm trước bất hạnh của người khác, anh Võ Đăng Khoa kịp thời kết nối các nhà hảo tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ phần nào cải thiện cuộc sống trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Anh Đăng Khoa mong muốn họ bớt phần lo lắng, bất an bởi không có việc làm và sớm hòa nhập với cộng đồng, xua đi sự mặc cảm, tự ti.
Tấm lòng nhân hậu, bao dung giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của anh Võ Đăng Khoa khiến nhiều người khâm phục, cảm động. “Tàn nhưng không phế”, anh Võ Đăng Khoa chính là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói trên.
Ứng Hà Chi