Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chân dung CEO Phùng Anh Tuấn: Từ "kẻ cắp thông tin" đến "ông trùm" cầm đồ

(DS&PL) -

Từ một hacker chuyên đánh cắp thông tin, ông Phùng Anh Tuấn đã chuyển hướng sang lĩnh vực an ninh mạng, và sau đó là loạt cửa hàng cầm đồ.

Từ một hacker, ông Phùng Anh Tuấn đã chuyển hướng sang lĩnh vực an ninh mạng. Sau đó, doanh nhân này tiếp tục sáng lập ra F88 - một công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ quy mô lớn ở Việt Nam.

Góp phần đưa mạng xã hội “Made in Vietnam” trình làng

Sau 3 tháng phát triển, ngày 23/7, mạng xã hội Gapo chính thức ra mắt tại Việt Nam. Giống như nhiều mạng xã hội khác, Gapo có những tính năng cơ bản như cho phép người dùng đăng bài viết, hình ảnh, video, kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến… Mạng xã hội này cũng sẽ có tính năng livestream và viết blog.

Gapo cho phép người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tuỳ thân và dự kiến chia sẻ doanh thu với người dùng định danh trong tương lai.

Mạng xã hội này do Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo phát triển. Doanh nghiệp này  được thành lập ngày 17/6/2019 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn G (G-Group) 35%; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên – Tổng Giám đốc Gapo chiếm 30%.

Mạng xã hội Gapo mới trình làng. Ảnh: Chính phủ

Tại buổi ra mắt, Gapo chính thức nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital, thành viên của G-Group. Khoản đầu tư này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án, mục tiêu đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Về G-Group, Tập đoàn này được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn góp 87% vốn. Ông Tuấn sau đó đã thoái hết vốn nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, ông Phùng Anh Tuấn còn được biết đến với vai trò Chủ tịch và CEO chuỗi cầm đồ F88 - một công ty từng được giới thiệu là thành viên của G-Group.

Tuy nhiên, trên website của G-Group, cái tên F88 đã bị gạch tên trong mục hệ sinh thái của Tập đoàn. Dù chưa thể khẳng định liệu điều này có đồng nghĩa với việc F88 tách hoạt động khỏi G-Group hay không, nhưng động thái này phần nào khiến giới công nghệ, đầu tư tỏ ra băn khoăn.

Hiện nay, G-Group có hơn 1.000 nhân sự và 8 công ty thành viên, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính gồm: G-Capital, Sàn kết nối tài chính Tima; Ngân hàng di động GPay; Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC); Công ty về truyền thông giải trí BEATVN; Ginnovations - công ty tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, phát triển và sản xuất các thiết bị bảo mật và GTV (tên trước đây là GameTV) - hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử, livestream, đào tạo và phát triển idol, streamer và phát hành game.

Từ hacker đến người bảo mật thông tin

Trước khi được biết đến với vai trò là người điều hành F88 - chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam, ông Phùng Anh Tuấn từng được đánh giá là một hacker “hạng nặng” trong giới công nghệ toàn quốc.

Theo tìm hiểu, vào năm 2003, ngay sau buổi hội thảo “hacker thiện chí”, 6 nhóm hacker nổi danh trên toàn quốc tuyên bố giải tán rút khỏi “giang hồ” để tập trung vào một “ngôi nhà chung” là địa chỉ www.security.com.vn. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, việc tan rã và hợp nhất mang tính “lịch sử” trong giới hacker đó xuất phát từ ý tưởng của Phùng Anh Tuấn – trưởng nhóm Viet hacker “khét tiếng” và một cá nhân khác là  Đỗ Ngọc Duy Trác – lập trình viên có tiếng của Công ty VASC.

Thời điểm ấy, dù chưa đầy 20 tuổi nhưng Phùng Anh Tuấn đã lãnh đạo nhóm Viet hacker với số lượng thành viên chiếm đến một nửa số lượng hacker tại Việt Nam.

Ông Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch G-Group. Ảnh: F88

Sau này, khi thành lập công ty an ninh mạng VSEC, Phùng Anh Tuấn và các đồng sự đã góp phần không nhỏ trong việc cảnh báo cho rất nhiều “đại gia” trong làng CNTT như FPT, Cty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), Viettel Internet, Bộ Thương mại… để họ sửa lỗi trong hệ thống trước khi bị tấn công. Trong đó, nổi bật và vụ cảnh báo thành công một lỗ hổng nghiêm trọng trên hệ thống ngân hàng trực tuyến (banking online) của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Với lỗ hổng này, hacker có thể kiểm soát những khoản tiền rất lớn, thậm chí cả quỹ đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.

Ông Tuấn từng thừa nhận, cá nhân ông luôn thích làm những thứ mới mẻ, đột phá và có đóng góp cho xã hội. Năm 2003, khi thành lập Công ty An ninh mạng VSEC thì đây một startup trong lĩnh vực bảo mật hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó, trung tâm là đơn vị đào tạo đầu tiên về An toàn thông tin ở Việt Nam. Tương tự, khi ông quyết định thành lập cầm đồ F88, cũng chưa có bất kì đơn vị nào làm chuyên nghiệp và giải quyết tốt bài toán này ở Việt Nam.

Về nguyên nhân khởi nghiệp dự án cầm đồ, doanh nhân Phùng Anh Tuấn cho biết, do những năm đầu thời sinh viên, ông đã khởi nghiệp mở công ty. Cuối tháng, sau khi trả chi phí lương cho nhân viên xong thì hết tiền hay doanh thu chưa bù được chi phí nên có những lúc ông phải mang đồ đi cầm cố.

Ngay từ lúc đó, ông Tuấn đã nhận thấy cầm đồ là một kênh có thể huy động được tiền nhanh chóng để xử lý công việc trước mắt.  Và ngay cả 10 năm sau đó, khi khởi nghiệp với dự án F88, ông vẫn thấy đây là một dịch vụ rất tiềm năng vì rất nhiều người có nhu cầu cần vốn gấp. Từ đó, ông thấy rằng đây là một cơ hội rất lớn, nếu có thể làm được thì sẽ tạo ra một kênh tiếp cận tài chính nhanh chóng, tiện lợi mà an toàn cho người sử dụng.

Với ông Tuấn, điểm thuận lợi khi từ lĩnh vực bảo mật chuyển sang lĩnh vực cầm đồ là bản thân vốn có xuất phát điểm là dân công nghệ, nhất là dân An toàn thông tin thì tìm hiểu vấn đề rất cần thận. Từ đó, có thể áp dụng triệt để công nghệ vào hoạt động kinh doanh cũng như không triển khai vội vàng mà tìm hiểu rất kĩ và làm đúng luật.

Về F88, hay cụ thể hơn là CTCP Kinh doanh F88 được thành lập ngày 30/6/2016, đóng trụ sở tại Phòng 206, tầng M, tòa nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội. Hiện, vốn điều lệ công ty đạt 211,2 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, cổ đông lớn nhất F88 là CTCP Đầu tư F88 (nắm 99% vốn) – đây là công ty có vốn điều lệ gần 57,4 tỷ đồng, trong đó một cá nhân góp vốn là James Allan Barron (1,587%) – được giới thiệu là chuyên gia cố vấn cao cấp, cựu CEO của Tập đoàn First Cash sở hữu 2.000 phòng giao dịch cầm đồ tại Mỹ và châu Mỹ La tinh phụ trách tư vấn chiến lược kinh doanh, xây dựng các gói sản phẩm, qui trình dịch vụ tối ưu cho khách hàng.

Hiện tại, ông Tuấn cũng đang là Chủ sở hữu/Người đại diện theo pháp luật cả CTCP Kinh doanh F88 và CTCP Đầu tư F88.

Hệ thống cầm đồ này cũng được quỹ đầu tư Mekong Capital rót vốn từ năm 2017. Đây là quỹ từng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp lớn như chuỗi bán lẻ Thế giới Di động, nhà phân phối hàng điện tử Digiworld, chuỗi nhà hàng Golden Gate.

Tính đến ngày 30/6/2019, F88 sở hữu 84 phòng giao dịch trên toàn quốc, tăng gần gấp đôi so với năm 2018, trong đó 41 phòng giao dịch tại Hà Nội, 38 tại TP.HCM và 5 tại các tỉnh miền Bắc khác. Đây cũng là một trong những hệ thống cầm đồ có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Năm 2018, F88 đã giải ngân lũy kế 873 tỷ đồng và dự kiến năm 2019 là 1.837 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng.

Cửa hàng cho vay cầm đồ F88. Ảnh: F88

Cầm đồ F88 lên sàn

Vừa qua, Công ty cổ phần kinh doanh F88 phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường trái phiếu Việt Nam để tăng nguồn vốn phát triển kinh doanh và đẩy mạnh phát triển hệ thống phòng giao dịch trên toàn quốc. Quy mô ước tính 100 tỷ đồng dưới hình thức phát hành riêng lẻ, tuy nhiên lãi suất không được tiết lộ.

Đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của F88 do Công ty Cổ phần chứng Khoán Bảo Việt (BVSC) tư vấn. Bên cạnh đó, BVSC đã đặt mua 30% tổng số lượng phát hành trái phiếu cho đợt phát hành này. Đợt phát hành trái phiếu này được đánh giá là cơ hội cho các nhà đầu tư có góc nhìn mới với công ty chuyên kinh doanh cho vay cầm cố tài sản tại Việt Nam như F88.

Đánh giá thêm về lý do F88 phát hành trái phiếu thời điểm này, ông Chris Freund – CEO Mekong Capital chia sẻ: "F88 tăng trưởng rất nhanh, họ đều vượt các mục tiêu mà chúng tôi đặt ra về số cửa hàng mở mới, giá trị trung bình mỗi khoản vay. Thời gian qua họ mở rộng rất nhanh tại TP.HCM, tốc độ tăng trưởng năm qua đạt 300%".

Như vậy có thể nói, đợt phát hành trái phiếu của Công ty F88 vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam lần này sẽ là bước đột phá cho cho các Doanh nghiệp hoạt động trong mảng Dich vụ tài chính. Đồng thời, tạo thêm sản phẩm cạnh tranh với mức lãi suất ưu đãi cực kỳ hấp dẫn cho Nhà đầu tư lựa chọn trên thị trường cổ phiếu và Trái Phiếu Việt Nam.

Vũ Đậu 

Tin nổi bật