Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Chân dài" làm PG: Đằng sau vỏ bọc hào nhoáng là những góc khuất

(DS&PL) -

Thu nhập cao, dễ tìm kiếm được những mối quan hệ, không bị bó hẹp về thời gian, luôn xuất hiện trước đám đông một cách lộng lẫy, xinh đẹp… Những yếu tố đó đủ khiến ngày m

Thu nhập cao, dễ tìm kiếm được những mối quan hệ, không bị bó hẹp về thời gian, luôn xuất hiện trước đám đông một cách lộng lẫy, xinh đẹp… Những yếu tố đó đủ khiến ngày một nhiều những cô gái trẻ lao vào nghề PG. Nhưng ẩn đằng sau vỏ bọc hào nhoáng đó còn khá nhiều câu chuyện…

Một công việc thu nhập tốt, không đòi hỏi cao về trình độ, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình và giao tiếp...,  nghề PG (Promotion Girl - các cô gái quảng cáo cho sản phẩm, sự kiện) trở thành lựa chọn “vàng” dành cho học sinh, sinh viên và cả những bạn trẻ không bằng cấp. Nhưng liệu nghề PG có thực sự đơn giản và dễ kiếm tiền như mọi người vẫn tưởng?

Bị “miệt thị” vì son phấn...

Hàng ngày, những “cô gái tiếp thị sản phẩm” phải gặp gỡ không biết bao nhiêu lớp người khác nhau, và không phải ai cũng thực sự hiểu những gì họ đang làm.

Chia sẻ về những năm tháng mới vào nghề, cô gái tên Ngân – sinh viên đại học năm 2 kể: “Mình lên thành phố ở trọ, sáng đi học, chiều nào nhận được điện thoại là lập tức chải đầu, bới tóc, trang điểm… Tối về trong tình trang bơ phờ, mệt rũ rượi. Rồi mình bắt đầu nghe thấy những tiếng xì xào ở các phòng kế bên, họ không còn đối xử với mình như một cô bạn sinh viên nữa. Họ bắt đầu nhìn mình theo cái cách họ nhìn các cô gái gọi…”.

Nếu Ngân bị “miệt thị” vì luôn tô son, đánh phấn, thì Nga, cô bạn đã chuyển từ nghề PG sang quản lý của một công ty người mẫu lại bị dè bỉu vì điều ngược lại trong những ngày mới “vào đời”: “Đợt đó em đi ứng tuyển cho một đợt giới thiệu sản phẩm của hãng Y, khi ấy thì em khá tự tin vào ngoại hình cũng như khả năng trả lời phỏng vấn của mình nên đi học về là qua chỗ tuyển luôn mà không trang điểm, thay đồ, chỉ mặc áo thun, quần bò…

"Chân dài" làm PR: Đằng sau vỏ bọc hào nhoáng là những góc khuất - Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Người tuyển dụng, một phụ nữ ngoài 30, nhìn em từ đầu đến chân với ánh mắt khinh khỉnh rồi bĩu môi hỏi: Cô có biết chương trình trả cho người mẫu bao nhiêu tiền một show không? Cô có cảm thấy mình xứng đáng với khoản tiền ấy không? Cảm giác của em lúc đó thật sự thất vọng và xấu hổ trước bao nhiêu bạn PG khác”. Rõ ràng, người tuyển dụng có quyền chọn ai, bỏ ai làm người mẫu cho chương trình, nhưng không phải tất cả họ đều có cách hành xử lịch sự, đặc biệt là khi có đến hàng trăm cô gái cùng xếp hàng để mong nhận được công việc chỉ cần vài cô”.

“Ngày em mới đến với nghề này, em cũng từng đến những nơi casting (tuyển chọn PG cho một chương trình) mà ở đó, người ta dễ liên tưởng đến cảnh hàng chục cô gái ngồi la liệt để chú rể Hàn Quốc chọn vợ vậy, người ta soi từng chi tiết một với những ánh mắt, thái độ dò xét” – Nga nói tiếp.

Khó khăn đến từ bản thân nghề nghiệp, đối với các PG không bao giờ đáng sợ bằng định kiến xã hội. Do giờ giấc công việc đi sớm về khuya, lại hay phải trang điểm đậm, không ít lần Trang bị hàng xóm xì xào, bàn tán sau lưng. Thậm chí còn có người hỏi thẳng bố mẹ cô, con gái làm việc gì mà đi đêm hôm về khuya vậy.

“Hàng xóm không hiểu được công việc của em, họ hay đàm tiếu những lúc thấy em về muộn, xì xèo những điều không hay với mẹ em, rồi nói em làm này nọ” – Trang chia sẻ.

Và những cám dỗ khó làm ngơ...

Dẫu biết đây là một nghề hấp dẫn, tuy nhiên giới PG trẻ cũng phải đối mặt với những mảng tối phát sinh trong khi làm việc. Chia sẻ câu chuyện của mình, Hạnh– một nữ PG cho biết: “...Làm PG, nhất là PG tiếp thị bia, rượu thường đối mặt với rủi ro bị… sờ soạng, quấy rối. Hơn nữa, không ít bạn PG bị gạ tình khi đang làm việc”.

Để giới thiệu tới đúng đối tượng tiêu thụ sản phẩm, các PG thường xuyên phải lui tới các nhà hàng, quán bar, vũ trường - nơi đầy rẫy những gã đàn ông thích "trêu hoa, ghẹo nguyệt". Có kẻ quấy rối bằng ánh mắt, lời nói. Không ít kẻ lợi dụng lúc PG đang giới thiệu sản phẩm để tìm cách ghé sát, đụng chạm cơ thể. Các trường hợp vờ chụp ảnh cùng để lợi dụng ôm eo, khoác vai PG không phải là hiếm. Do môi trường làm việc khá phức tạp, thường ở ngoài đường phố, khu mua sắm hay các quán bia, quán nhậu nên các PG quảng bá, tiếp thị sản phẩm luôn phải đối mặt với nguy cơ bị trêu ghẹo, thậm chí là bị quấy rối tình dục ở những mức độ khác nhau.

“Khi khách ngà ngà say, họ sẽ có những hành động khiếm nhã, động chạm đến cơ thể mình, hoặc là ép mình uống rượu thì lúc đó bọn em phải thật khéo léo từ chối để khách không phật ý và mình cũng không bị quấy rối”, Tân -  sinh viên năm cuối một trường đại học chia sẻ.

Đối với những “thượng đế”, sau bữa nhậu quá chén là những yêu cầu “tăng 2”, họ không ngại ngần ra giá với các PG.

Sau một lần đi giới thiệu thuốc lá ở nhà hàng, do khách hàng nài nỉ nên Yến đã cho số điện thoại. Hôm sau, Yến thấy người khách đó gọi điện nói chuyện, rồi bắt đầu nhắn tin “đưa đẩy”. “Anh ta còn ra giá luôn khi nhắn tin với em, hứa hẹn đủ kiểu. Từ đó em không nghe máy, cũng không trả lời tin nhắn của vị khách này nữa”, Thu nói.

Trước sự cám dỗ của đồng tiền, không phải bạn trẻ nào cũng đủ sức giữ mình. Ngoài ra, PG thường sẽ được yêu cầu ăn mặc tương đối hở hang. Đôi khi những sự cố như “lộ hàng” là điều không thể tránh khỏi. Không ít PG bị tung ảnh “lộ hàng” lên mạng xã hội, vô tình trở thành trò giải trí cho kẻ khác.

Có nhiều cô gái chấp nhận đánh đổi để có một cuộc sống mà họ cho rằng tốt hơn, nhưng cái giá phải trả đôi khi là quá lớn. Có những cô gái phải bỏ nghề sau một thời gian vì không chịu được sức ép, sự xô bồ của nghề. Và tất cả những người trong cuộc đều hiểu rằng, phải có bản lĩnh lớn mới không bị "đổ" trong cái nghề nhiều cạm bẫy này.

Trâm Anh (T/h)

Tin nổi bật