Hậu quả từ quảng cáo nâng ngực không xâm lấn
Vừa qua, một cô gái trẻ đã phải nhập viện 108 do ngực sưng đau, viêm cứng vì “nâng ngực đệm mô lipid, nâng ngực bằng sóng xung kích” ở… spa với giá 10 và 150 triệu đồng. Trước khi thực hiện dịch vụ, spa cam kết nâng ngực không xâm lấn, không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo, chỉ dùng máy tác động bên ngoài kích thích mô mỡ ngực phát triển và cấy lipid bằng đầu cấy nano chuyên dụng vào mô mỡ dưới da.
Hay mới đây nhất, trường hợp của chị N.T (Hà Nội) sau khi xem quảng cáo trên facebook, chị đã sử dụng dịch vụ nâng ngực bằng phương pháp đệm mô lipid nano max tại thẩm mỹ viện Bảo Lan (số 26 Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
Tại đây, nhân viên tư vấn cho chị T. rằng, phương pháp đệm mô lipid nanomax sẽ sử dụng các đầu máy tác động trực tiếp đến vùng cần cải thiện để kích thích, tăng sinh mô mỡ. Chi phí đang ưu đãi từ 3 triệu giảm còn 1 triệu/1 đơn vị lipid. Tùy theo tình trạng và nhu cầu, khách hàng sẽ sử dụng số lượng đơn vị khác nhau. Mức phí dịch vụ dao động từ 10 - 80 triệu đồng tùy trường hợp. Thanh toán đủ 100% số tiền, khách hàng mới được làm dịch vụ.
TMV Bảo Lan quảng cáo dịch vụ phẫu thuật không nâng ngực tại cơ sở (Ảnh chụp màn hình fanpage của TMV Bảo Lan)
Chị T. cho biết, quá trình thực hiện nâng ngực, nhân viên thoa một lớp kem màu trắng lên phần ngực và dùng máy làm mềm để đệm mô dễ dàng hơn. Lúc này, chị cảm thấy ngực đau nhói như kim chích và ê buốt nên đã hỏi nhân viên đó có phải tiêm, truyền chất gì hay không thì nhận được câu trả lời rằng rất an toàn nhưng là chất gì thì… nhân viên không nói, chỉ cho biết đó là “sản phẩm độc quyền”. “Sau đó, cơ thể tôi tê cứng và không cảm nhận được gì”, chị T. kể lại.
Sau một tuần thực hiện nâng ngực, không những không cải thiện được số đo vòng 1, chị T. còn bị đau tức ngực, khó thở và mất ngủ. Ngay sau đó, chị phải đến bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Kết quả siêu âm cho thấy, có nhiều ổ giảm âm nhỏ dạng dịch nằm ngay sau nhu mô tuyến vú trước cơ thành ngực hai bên (sau tiêm chất làm đầy trong tạo hình tuyến vú).
Quá lo lắng, chị T. đã quay trở lại TMV Bảo Lan để làm rõ thêm thông tin. Lúc này, nhân viên cơ sở thừa nhận đã “đưa” một loại “hợp chất” vào cơ thể chị T. để thực hiện nâng ngực và cho biết đó là lipid. Đồng thời, vẫn khẳng định phương pháp này rất an toàn.
Nhân viên thẩm mỹ viện Bảo Lan mặc áo blue tư vấn cho khách, không đeo biển tên.
Để làm rõ những thông tin phản ảnh của chị T, trong vai khách hàng có nhu cầu muốn nâng ngực, phóng viên đã thâm nhập cơ sở thẩm mỹ này. Qua quan sát, tại đây không để biển hiệu tên Bảo Lan như quảng cáo, chỉ có dòng chữ: Mega Beauty Center kèm theo logo viết tắt “BL”. Từ những nhân viên tư vấn đến người thăm khám đều không để biển tên.
Khi chúng tôi nói có nhu cầu nâng ngực, nhân viên lập tức tư vấn cho PV phương pháp đệm mô lipid và khẳng định rất an toàn. Phương pháp này khác biệt với tiêm filler vì đệm mô lipid chỉ ở ngay tầng biểu bì của da chứ không vào tầng sâu, đặc biệt gần như tương thích với mỡ cơ thể nên rất đảm bảo.
Để thuyết phục hơn, nhân viên giải thích thêm, sau khi lấy máu của khách hàng, cơ sở sẽ dùng phương pháp tách ly tâm rồi đưa trở lại cơ thể để nhanh hòa mô, giúp mô nhanh mềm hơn. Sau khi nghe tư vấn, khách hàng được yêu cầu thanh toán đủ mới được làm dịch vụ.
Cần xử lý nghiêm sai phạm!
Bác sĩ tại khoa Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật. Nếu chọn nâng ngực bằng chất liệu túi độn thì phải được bộ Y tế công nhận hoặc chứng nhận FDA, nâng ngực bằng mỡ tự thân thì cần được tư vấn và tiến hành bởi các bác sĩ, bệnh viện uy tín. Đồng thời, cũng chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu.
Trước đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có bài viết “Hà Nội: Zema Beauty & More cung cấp dịch vụ làm đẹp không phép?”, phản ánh việc cơ sở Zema Beauty & More, số 72 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội cung cấp dịch vụ làm đẹp cho khách hàng mặc dù chưa được cấp phép.
Qua những hoạt động bất thường của cả hai cơ sở làm đẹp trên, PV đã liên hệ tới sở Y tế Hà Nội và được biết, đây đều là những đơn vị chỉ được phép thực hiện dịch vụ chăm sóc da, không được phép sử dụng các thủ thuật của phòng khám. Vấn đề xử lý thuộc thẩm quyền của UBND quận Cầu Giấy.
Phòng Y tế quận Cầu Giấy
Liên quan đến sai phạm tại TMV Bảo Lan, lãnh đạo phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, qua tài liệu phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật cung cấp, TMV Bảo Lan đã thừa nhận sử dụng dịch vụ quá phạm vi chuyên môn cho phép. Hiện, phòng đang hoàn tất hồ sơ gửi UBND quận xử lý nghiêm theo quy định.
Thiết nghĩ, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, đặc biệt là phòng Y tế quận cần sớm vào cuộc xử lý triệt để những cơ sở spa, thẩm mỹ,... sử dụng dịch vụ chưa được cấp phép. Vì trước đó không lâu, một người đàn ông đã tử vong nghi do hút mỡ bụng tại cơ sở Thẩm mỹ viện Việt Hàn (83 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy). Đáng nói, đại diện sở Y tế Hà Nội cho biết, đây chỉ là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thông thường, không được phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn.
Đặng Thủy - Thạch Thảo