Mới đây, bộ ảnh Áo dài 100 điểm đến của một cặp vợ chồng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đằng sau câu chuyện có thật về “nắm tay nhau đi khắp thế gian” lại khởi nguồn từ một... câu nói đùa.
Ngay sau khi bộ ảnh Áo dài 100 điểm đến được đăng tải trên mạng xã hội, nó đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dân mạng. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước “chất chơi” của cặp vợ chồng ở Hà Nội. PV ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với anh Hoàng Thanh Tùng (37 tuổi, kiến trúc sư) - “người chồng quốc dân” thực hiện bộ ảnh để đời cho vợ - chị Nguyễn Thúy Quỳnh (30 tuổi, nhân viên ngân hàng).
Anh Tùng chia sẻ, từ khi còn trẻ anh đã thích đi du lịch, sau khi kết hôn có thêm vợ anh tham gia vào các chuyến đi. “Một lần mình nói vui: Hay mỗi lần đi đến đâu mình chụp một bộ ảnh áo dài làm kỷ niệm cho con cháu sau này thấy ông bà ngày xưa thế nào”, anh vui vẻ bộc bạch.
Những bức ảnh đầu tiên trong bộ ảnh chưa được chú trọng vì chỉ mang tính kỷ niệm. Tuy nhiên, đi đến đâu cũng được mọi người tán thưởng vẻ đẹp của áo dài Việt Nam. Chính vì vậy, gia đình anh quyết định thực hiện dự án: “Áo dài 100 điểm đến” một cách nghiêm túc.
Bộ ảnh đầu tiên của dự án trong hành trình Ý – Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5/2018. Trước đó, hồi tháng 3/2016, vợ chồng anh Tùng đã thực hiện những bức ảnh “thai nghén” trong chuyến đi Nhật Bản. Trong hai năm rưỡi, gia đình anh đã đi qua 12 quốc gia và 30 điểm đến khắp thế giới tại châu Âu, châu Á, châu Phi.
Chị Quỳnh trong tà áo dài |
“Tôi đã lập danh sách khoảng 120 điểm đến yêu thích và dự trù thời gian mất khoảng 10 năm để thực hiện được đủ 100 điểm đến. Tùy vào tình hình hàng năm mà tôi lựa chọn các điểm đến phù hợp với tiêu chí còn trẻ thì đi xa, đi các địa điểm khó khăn và để dành các địa điểm gần cho sau này”, anh Tùng nói.
Giai đoạn đầu của dự án, việc chuẩn bị cho các bộ ảnh mất khá nhiều thời gian, có lúc phải dậy sớm từ 4h30 sáng để kịp ngắm bình minh ở London (Anh) hay leo mấy quả đồi tại Edinburgh (Scotland) giữa trời gió giật. Rồi có những lúc, vợ chồng anh chụp ảnh trong cái nắng chói chang 36 độ ở Địa Trung Hải hay âm 13 độ giữa trời tuyết rơi ở Hokkaido (Nhật Bản). Tất cả đều là những kỷ niệm vô giá được gửi hết vào trong các bức ảnh của vợ chồng anh.
“Kinh phí cho các chuyến đi cũng tương đương với các chuyến du lịch mà mọi người vẫn thấy các công ty du lịch quảng cáo, chỉ có điều gia đình mình tính toán thời gian và các địa điểm phù hợp với mục đích của dự án hơn”, anh chia sẻ.
Khi được hỏi điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án, anh cho hay: “Vì dự án này là sự kết hợp của 2 yếu tố du lịch và nhiếp ảnh nên việc lập kế hoạch thực hiện các bộ ảnh khi chưa bắt đầu chuyến đi là một khó khăn. Mình phải làm sao chọn được bối cảnh đặc trưng nhất của nơi đến. Chính vì vậy, mình phải tìm hiểu trước về nơi đến, lựa chọn điểm chụp từ kinh nghiệm của các travel blogger và các nhiếp ảnh gia trên thế giới.
Khó khăn tiếp theo là lựa chọn khoảnh khắc để các bức ảnh không bị đông người và có ánh sáng mềm mại khi chụp. Điều này có thể giải quyết bằng việc lựa chọn nơi ở gần nhất với địa điểm chụp ảnh để có thể thực hiện bộ ảnh vào sáng sớm hoặc khung giờ đầu tiên mở cửa của điểm du lịch. Yếu tố thời tiết rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng các bộ ảnh, có khi phải thực hiện trong ánh nắng gắt hay thời tiết âm u. Điều này là bất khả kháng và khâu hậu kỳ chỉ có thể khắc phục bằng được phần nào.
Tiếp theo là khó khăn do môi trường xã hội, yếu tố văn hóa và an ninh tại nơi đến. Ví dụ như bộ ảnh thực hiện tại Ai Cập, một quốc gia Hồi giáo và kèm theo đó các điều kiện khá khắt khe khi chụp ảnh tại di tích lịch sử. Do vậy, mình cần một hướng dẫn viên du lịch nhiều kinh nghiệm, trao đổi với họ cụ thể về kế hoạch thực hiện, ngoài ra hành trình cũng kết hợp với vài người bạn để đảm bảo an toàn”.
Bộ ảnh đầu tiên của dự án được thực hiện với điểm đầu tiên là Vatican - nơi mơ ước được đến trong đời của mẹ anh Tùng. Ban đầu, anh còn cảm thấy ngại ngùng vì trong hành trình rất nhiều người từ khách du lịch, nhân viên an ninh đứng nhìn, nhưng hóa ra họ tò mò vì thán phục tà áo dài của Việt Nam. Nhiều người lầm tưởng áo dài là trang phục của Trung Quốc nhưng anh đều kiên nhẫn giải thích về tà áo dài, biểu tượng văn hóa gắn với hình tượng phụ nữ Việt Nam một cách rất tự hào. Họ đều khen áo dài là trang phục đẹp, rất tôn dáng, thuận tiện cho việc đi lại hàng ngày, sự gợi cảm ở mức độ vừa phải và vẫn phù hợp với những nơi tôn nghiêm.
Năm 2020, gia đình anh Tùng đã kịp thực hiện hành trình đi Nhật Bản và Ai Cập trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ sau khi du lịch nội địa mở cửa trở lại, gia đình anh đã thực hiện 4 chuyến đi trong nước để tiếp tục dự án.
Anh Tùng cho hay: “Với tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, có lẽ đến cuối năm 2021 gia đình mình mới tiếp tục thực hiện dự án ở các điểm đến nước ngoài. Hiện nay, mình đang lên kế hoạch cho chuyến đi Trung-Nam Mỹ hoặc các nước Trung-Bắc Âu. Tuy nhiên, mình chỉ thực hiện chuyến đi cho tới khi cảm thấy thực sự an toàn”.
Nhìn vào những bức ảnh của dự án: Áo dài 100 điểm đến ai cũng nghĩ rằng sẽ có một ê-kíp hùng hậu đi theo để thực hiện và gia đình anh phải có điều kiện mới có thực hiện được. Tuy nhiên, anh Tùng cho hay, tất cả các chuyến đi của anh đều tự túc, chỉ có 2 vợ chồng hoặc có thêm mẹ ruột của anh, không có ê-kíp mà thỉnh thoảng có thêm một vài “ người bạn đi du lịch cùng. |
Phong Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (207)