Bà Thanh đau đớn với những vết bầm tím khắp cơ thể do con trai gây nên. |
Những khi không được đáp ứng, Tú thẳng tay đánh đập cha mẹ dã man. Không chịu đựng được đứa con bất hiếu, vợ chồng bà đành gạt nước mắt nhờ báo chí và các cơ quan chức năng giúp đỡ.
Mất cả vợ con vì game
Ông Võ Văn Tám (SN 1945, trưởng ấp 2, xã Trừ Văn Thố) cho biết: “Hoàn cảnh của vợ chồng bà Thanh rất bi đát. Tú là con trai cả nhưng lại lười lao động và ngược đãi cha mẹ mình. Nhiều lần anh ta đánh cha mẹ, chính quyền ấp cũng đã đến nhưng sau khi viết cam kết thì đâu lại vào đấy”. Đại diện công an xã Trừ Văn Thố cũng xác nhận với phóng viên: “Ngày 1/10, Tú đánh mẹ ruột ngất xỉu, chúng tôi đã bắt viết cam kết. Nhưng khi trở về thì gia đình báo Tú đã bỏ nhà đi. Chúng tôi cũng đã liên hệ với nhà bà Thanh, nếu Tú về nhà thì báo cho chính quyền để triệu tập Tú một lần nữa. Nếu Tú vẫn còn tiếp diễn hành động ngược đãi cha mẹ, chúng tôi buộc phải đưa anh ta đi trại giáo dưỡng”. |
Chúng tôi tìm về ấp 2, xã Trừ Văn vào một buổi chiều muộn. Đón chúng tôi, bà Trần Thị Thanh chỉ vào những vết bầm tím ngậm ngùi bảo: “Nó dùng tay đấm vào mặt tôi, còn chân thì liên tục đạp vào người. Tôi chẳng hiểu sao mình còn sống được đến bây giờ, lúc đó cứ ngỡ đã chết dưới tay con trai rồi”. Vốn là người gốc Bắc vào Nam lập nghiệp, năm 1989, bà Thanh quen rồi nên duyên vợ chồng cùng ông Trần Thanh Liêm (SN 1965). Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng trẻ cứ thế trôi đi cho tới một ngày, ông Liêm lên cơn sốt rồi bị bại liệt, không thể đi đứng bình thường nữa. Do đôi chân bị tật, ông phải dùng sức của hai đầu gối để di chuyển. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ, đôi vợ chồng nghèo cũng kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Hàng ngày, với xấp vé số và chiếc xe dành cho người khuyết tật, ông Liêm rong ruổi khắp nơi. Về phần bà Thanh, vì con nhỏ nên chỉ quanh quẩn ở nhà trồng rau, đem ra chợ bán để cải thiện bữa ăn gia đình. “Người ta bảo sinh con trai là có phúc vì chúng đỡ đần cha mẹ được nhiều việc. Nhưng phúc đâu chẳng thấy, vợ chồng tôi lúc nào cũng buồn phiền, đau lòng vì con”, bà Thanh chia sẻ.
Trịnh Thanh Tú (SN 1990) là con trai đầu lòng của ông bà. Học hết lớp 6, Tú đã bỏ ngang nghiệp đèn sách rồi chìm đắm vào những trò chơi điện tử trên mạng. Chẳng những không đỡ đần việc gia đình, hắn còn thường xuyên trộm tiền bán vé số của cha để “nướng” vào game online. Bà Thanh kể, vì Tú ham chơi game bạo lực nên tính cách cũng bị ảnh hưởng. Mỗi khi về đến nhà, gặp chuyện không ưng ý là hắn lập tức “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hoặc ném đồ đạc trong vỡ tan. “Nó leo dừa rất giỏi nên tôi có bàn với chồng vay mượn bà con 3 triệu đồng mua lại chiếc xe máy cũ cho nó đi mua dừa. Mấy hôm đầu thấy nó chăm chỉ, vợ chồng tôi cũng mừng. Nhưng chỉ được vài hôm, chuyện đâu lại vào đấy. Bao nhiêu tiền kiếm được, nó đều mua rượu uống và chơi game online suốt ngày đêm. Cuối cùng đến cả chiếc xe máy, nó cũng mang đi cầm cố”.
Đang lúc chán nản vì không dạy được con, gia đình bà Thanh lại phải đón thêm một thành viên mới. Chẳng biết từ đâu ra, Tú dẫn một cô gái về rồi bảo đấy là vợ mình và sắp sinh con. Thấy “ván đã đóng thuyền”, vợ chồng bà Thanh đành chiều theo ý con trai, với hy vọng Tú sẽ tu chí làm ăn, lo lắng cho gia đình. Song trái lại, Tú càng say xỉn, phá phách nhiều hơn. Dăm ba bữa nghe vợ than thở, Tú cũng vay mượn đem về cho vợ ít tiền rồi lại ra quán game “định cư”. “Vợ nó là đứa ngô nghê, lại không có việc làm. Vợ chồng tôi đang phải chạy ăn từng bữa, giờ lại nuôi thêm con dâu nên cuộc sống vô cùng túng quẫn. Trong khi đó, con trai thì suốt ngày đập phá đồ đạc và dọa đánh cha mẹ”, bà Thanh thở dài cho biết. Không chỉ hành hạ bố mẹ, Tú còn lôi vợ ra đánh mỗi khi phải nghe than vãn chuyện tiền bạc. Những lúc ấy, bà Thanh và ông Liêm vào can ngăn cũng bị vạ lây. “Nó gọi vợ chồng tôi bằng “tụi mày” rồi xưng “tao”. Nhiều lúc bị nó đánh bất thình lình, tôi kịp chạy sang nhà hàng xóm, còn chồng tôi do đôi chân như vậy nên chỉ biết chịu trận”, bà Thanh chua xót kể.
Theo bà Thanh, vì nhiều lần bị chồng đánh đập nên sau khi sinh con, vợ Tú đã bỏ về Bến Tre sống với cha mẹ ruột. Ham chơi nhưng mỗi lần nhớ con, Tú cũng lặn lội xuống tận Bến Tre, hết lời xin được đón vợ con trở về. Thế nhưng nhìn cảnh chàng rể tối ngày, cha mẹ vợ nhất quyết không đồng ý. Vậy là, hắn lại lủi thủi quay về Bình Dương. “Cứ tưởng sau chuyện này, nó sẽ biết ăn năn, hối cải mà làm lụng, tích cóp tiền gửi lên cho vợ con. Nào ngờ, nó vẫn chứng nào tật nấy”, bà Thanh cho biết.
Căn nhà của vợ chồng bà Thanh. |
Đau xót nỗi lòng cha mẹ “sợ nghịch tử trở về”
Không những nghiện rượu, nghiện game, Tú còn “nghiện” cả cái tật đánh đập, hành hạ người thân trong gia đình. Em trai Tú từ ngày bị tai nạn giao thông trở nên ngây dại. Thấy vậy, Tú mặc sức hành hạ, tra tấn cậu em. Hết đánh, Tú lại quay sang xé nát quần áo em trai rồi chửi rủa bằng những ngôn từ tục tĩu. “Vợ chồng tôi chỉ biết đứng nhìn con mà khóc, chứ chẳng thể can ngăn. Nếu lao vào cứu thằng em thì lập tức, tôi cũng bị đánh. Thấy vậy, tôi đã lên nhờ chính quyền giúp đỡ. Họ cũng đã nhiều lần bắt Tú ký vào bản cam kết nhưng rồi đâu lại vào đấy”, bà Thanh kể.
Đỉnh điểm của sự việc là vào ngày 1/10 vừa qua. Chiều hôm đó, bà Thanh đang nấu cơm thì Tú trở về. Sau khi “nã” tiền chơi game không được đáp ứng, Tú xông vào nhà thẳng tay đánh đập đứa em trai khuyết tật. Khi đứa em trai chạy sang nhà hàng xóm trốn thì Tú quay về, dùng tay bóp mạnh vào cổ mẹ. Cố gắng vùng vẫy, bà Thanh vội lao ra khỏi nhà. Nhưng do trời tối, bà bị trượt ngã nên bị Tú đấm liên tiếp vào mặt. Chưa hả dạ, hắn còn dùng chân đạp mạnh vào bụng và khắp cơ thể mẹ mình. “Tôi ngất xỉu, đến lúc tỉnh dậy thì thấy xung quanh mình là những người hàng xóm. Còn thằng Tú thì đã được công an mời ra xã lấy lời khai và viết bản kiểm điểm”, bà Thanh nhớ lại.
Tuy đã viết bản cam kết với chính quyền sẽ không đánh đập những người thân trong gia đình nhưng trở về nhà, Tú lại tiếp túc tát vào mặt em trai rồi dọa đánh cha mẹ. Sợ xảy ra chuyện như lần trước, vợ chồng bà Thanh đành im lặng, không dám đả động gì đến đứa con trai bất hiếu. Được nước lấn tới, Tú mua rượu về uống rồi chửi rủa bậc sinh thành suốt đêm. Sáng hôm sau, sợ cha mẹ lên báo chính quyền, Tú đã mang theo vài bộ quần áo rồi bỏ nhà đi. “Nó cũng không đi đâu xa. Hôm trước, chồng tôi đi bán vé số thì tình cờ biết nó đang làm bảo kê cho một quán cafe ở ấp khác. Chẳng biết mấy hôm nữa trở về, nó sẽ làm gì với hai thân già này”, bà Thanh tỏ vẻ bất lực. Hiện tại, bà Thanh vẫn đang phải chịu đựng cơn đau âm ỉ từ những vết thương do đứa con bất hiếu gây ta.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Liêm cho biết: “Tôi không có đôi chân lành lặn nên rất khó di chuyển. Mỗi khi trái gió trở trời, chân lại đau nhức khiến tôi không thể đi bán vé số được. Trong gia đình tôi, thằng con thứ hai bị thần kinh, đứa út chỉ mới học lớp 1. Bao nhiêu hy vọng, vợ chồng tôi đặt cả vào thằng Tú. Nhưng không những không giúp được gì, nó còn tối ngày lêu lổng chơi bời. Chẳng biết khi vợ chồng tôi mất đi, ai sẽ lo cho các em nó”. Được biết, căn nhà vợ chồng ông Liêm đang ở là do chính quyền địa phương hỗ trợ. Trong khi đó, tiền bạc để mua thuốc cho đứa con trai bị tâm thần, ông bà phải vay mượn khắp nơi.
“Tiền bán vé số, mỗi ngày lời cao nhất cũng chỉ được 100.000 đồng. Chúng tôi phải để dành mua sữa và đóng học phí cho thằng út. Thằng Tú mỗi khi say xỉn cũng về nhà xin tiền cha mẹ. Không cho thì nó đánh nên sống trong nhà mình mà chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp nào giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh sống ác mộng này”, ông Liêm nói về đứa con “trời đánh”.
Video có thể bạn quan tâm:
Bé trai 10 tuổi kể lại chuyện bị mẹ kế đánh đập