Dân Trí dẫn lời TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3 cho biết, áp lực công việc, thiếu vận động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thức khuya, hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia đang trở thành "combo" (tập hợp) nguy hiểm cho sức khỏe não bộ.
Trong môi trường đô thị, rất nhiều người trẻ chỉ chú trọng đến hiệu suất công việc mà bỏ quên việc chăm sóc sức khỏe. Hệ quả là các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì,... âm thầm tích tụ theo thời gian.
Ảnh minh hoạ.
"Nhiều bệnh nhân trẻ không hề biết mình bị tăng huyết áp, hoặc biết nhưng chủ quan không điều trị. Trong khi đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, cả thiếu máu não lẫn xuất huyết não", bác sĩ nhận định.
Ngoài các yếu tố lối sống, một số bệnh lý nền tiềm ẩn như dị dạng mạch máu não, bệnh tim (rung nhĩ, hở van tim), đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… cũng là "quả bom nổ chậm" có thể gây đột quỵ bất cứ lúc nào.
Ở người trẻ, đột quỵ xuất huyết não thường liên quan đến vỡ túi phình mạch máu hoặc dị dạng mạch máu não - những tình trạng ít khi được phát hiện nếu không tầm soát kỹ.
Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài (stress), lo âu, mất ngủ là những yếu tố ít được quan tâm nhưng lại có liên quan chặt chẽ đến đột quỵ ở người trẻ.
Ngoài ra, một số yếu tố đặc thù như sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên, rối loạn nội tiết tố, hoặc sử dụng các chất kích thích (ma túy, thuốc lá điện tử chứa nicotine) có thể khiến máu dễ đông, gây tắc nghẽn mạch máu não.
Đột quỵ xảy ra đột ngột, với những biến chứng nghiêm trọng như nói khó, yếu tay – chân, sa sút trí tuệ, hoặc liệt hoàn toàn nửa người, viêm phổi…. thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kip thời. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng của đột quỵ như: miệng méo, vận động yếu và khó cử động tay chân, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, giao tiếp khó khăn… dù chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn, cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn.
"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên). Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh. Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, theo Sức khoẻ & Đời sống.
Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người nên chủ động phòng tránh ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu trước khi đột quỵ, bằng cách: tự nâng cao nhận thức về phòng tránh đột quỵ, biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để phát hiện sớm, tránh được những biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người dân cần có lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá và rượu bia và đi khám định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng của đột quỵ…