Theo Lao Động, hộ gia đình ông H.V.T (trú tại thôn 14, xã Ea Knốp, tỉnh Đắk Lắk) nuôi 2.000 con gà.
Ngày 15/6, gia đình ông T. bán 1.700 con gà khỏe mạnh, 130 ngày tuổi. Ngày 20/6, gia đình ông T. tiếp tục bán 200 con gà cho 1 xe vịt không rõ nguồn gốc.
Đến ngày 10/7, số gà còn lại khoảng 100 con bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mào tái, phân loãng vàng và chết. Gia đình ông T mang mẫu gà đi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với cúm A (H5N1).
Để phòng ngừa lây nhiễm cúm A (H5N1) từ gia cầm sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu xét nghiệm các thành viên trong gia đình ông T. Ảnh: Báo Lao Động.
Sau khi nhận kết quả, gia đình ông T. đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gà bệnh và chết.
Nhận tin báo, Trạm chăn nuôi và Thú y Ea Kar phối hợp với chính quyền xã Ea Knốp đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra, giám sát ổ dịch cúm gia cầm tại nhà ông T.
Quá trình kiểm tra cho thấy, hộ ông H.V.T nuôi gà nhưng chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà.
Số gà bệnh và chết, gia đình ông T đã đào hố tiêu hủy cách chuồng nuôi 300m, cao ráo. Số gà bệnh được gia đình ông T đốt, chôn lấp và rắc vôi trên hố. Chuồng nuôi đã được rắc vôi, phun hóa chất.
Thông tin trên báo VOV, để ngăn chặn dịch lây lan, ngành thú y đề nghị UBND xã Ea Knốp thống kê đầy đủ số hộ chăn nuôi, số lượng đàn gia cầm tại khu vực thôn 14, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm định kỳ. Riêng gia đình ông T. được yêu cầu không tái đàn trong vòng 45 ngày kể từ thời điểm tiêu hủy.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cũng đã lấy mẫu xét nghiệm đối với các thành viên trong gia đình ông T. để phòng nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) từ gia cầm sang người.
Ngành chức năng khuyến cáo, trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng dịch, tuyệt đối không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo.