Mới đây, mạng xã hội bất ngờ lan truyền trào lưu xem lại khung cảnh nhà cũ, quê hương 5-10 năm trước bằng công cụ Xem phố của Google Maps. Đa số clip mang khuynh hướng cảm động, hoài niệm, gợi nhớ kỷ niệm đã qua. Một số thu hút lượt xem bởi độ ngẫu nhiên của khoảnh khắc.
Cách xem lại khoảnh khắc cũng rất đơn giản. Người dùng có thể sử dụng công cụ chuyên dụng Google Earth hoặc chính phần Xem phố (Streetview) có sẵn trên app Google Map. Theo Google, tất cả những hình ảnh bạn thấy đều không phản ánh thời gian thực. Chúng được chụp cách đây vài tháng đến vài năm.
Cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh được chụp từ Google Maps.
Trào lưu này lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội, với hàng triệu lượt xem kèm hashtag như #googlemaps2019. Nhiều người tìm lại hình ảnh ngôi nhà cũ, con phố thời thơ ấu, hay những địa điểm đã thay đổi vì giải tỏa hoặc xây dựng. Không ít video ghi lại cảm xúc xúc động khi xem lại một nơi chốn tưởng như đã mất.
Không chỉ mang tính giải trí, tính năng này còn có giá trị thực tiễn với giới nghiên cứu đô thị, quy hoạch, kiến trúc khi có thể theo dõi sự thay đổi của một khu vực qua thời gian. Từ đó, nhiều người ví Google Maps như một cuốn album ảnh khổng lồ trong suốt gần một thập kỷ qua.
Trên kho ứng dụng cho iOS, tính tới ngày 3/7, Google Maps vươn lên vị trí số một tại Việt Nam, trong khi trên Android, ứng dụng được cài mặc định. Bên cạnh đó, Earth Maps, một ứng dụng đến từ nhà phát triển Trung Quốc và có trụ sở tại Singapore, cũng vươn lên top 4 ứng dụng được tải nhiều.
Trong phần đánh giá ứng dụng Earth Maps, nhiều người chấm 1* kèm bình luận tiêu cực do không tìm được ảnh đường phố như kỳ vọng.
"Nạp tiền để xem những năm về trước nhưng ấn mãi không xem được. Lừa đảo", một người để lại bình luận hôm 2/7.
Ứng dụng Google Maps lên top 1, trong khi một ứng dụng bản đồ khác lọt top 4 tải nhiều tại Việt Nam, sáng 3/7. Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, lợi dụng trào lưu này, một số nhà phát triển ứng dụng cũng đã tung ra các app giả mạo, đặt tên và thiết kế gần giống Google Maps nhằm đánh lừa người dùng.
Những ứng dụng này thường có tên nghe rất thu hút như Street View Earth Map 2024, Live GPS Maps, Old Street Maps… và dùng logo với các màu xanh, đỏ, vàng quen thuộc khiến nhiều người lầm tưởng đây là sản phẩm chính thức của Google.
Trong phần mô tả, các ứng dụng này thường quảng cáo rằng có thể giúp xem ảnh cũ, hỗ trợ tua ngược thời gian, thậm chí “hồi sinh ký ức” để thu hút người dùng đang nóng lòng tìm lại hình ảnh xưa. Thực tế, phần lớn chúng chỉ là các trình hiển thị quảng cáo liên tục gây mất thời gian của người dùng.
Một số ứng dụng còn yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập nhạy cảm như danh bạ, bộ nhớ, vị trí chính xác... để thu thập dữ liệu trái phép.
Một số nhà phát triển ứng dụng cũng đã tung ra các app giả mạo, đặt tên và thiết kế gần giống Google Maps nhằm đánh lừa người dùng. Ảnh minh họa
Việc vô tình tải các ứng dụng giả mạo có thể khiến người dùng gặp nhiều rắc rối. Nhẹ thì họ sẽ phải chịu đựng hàng loạt pop-up quảng cáo phiền toái, khiến điện thoại chạy chậm, hao pin nhanh. Nặng hơn, nếu ứng dụng tích hợp mã độc hoặc được phân phối từ các chợ ứng dụng không chính thức, họ có nguy cơ bị mất thông tin cá nhân như vị trí, danh bạ, tài khoản mạng xã hội, thậm chí dữ liệu tài chính.
Ngoài ra, các ứng dụng này thường yêu cầu quyền quản trị thiết bị (device admin) để ngăn việc gỡ bỏ, gây khó khăn cho người dùng không am hiểu công nghệ. Hệ quả có thể dẫn đến việc thiết bị bị kiểm soát từ xa, mất quyền kiểm soát và phải chạy phần mềm bảo mật chuyên dụng để xử lý, theo Tuổi trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo người dùng chỉ nên tải Google Maps chính thức do Google LLC phát hành, có xác minh trên Google Play Store hoặc Apple App Store. Trước khi cài đặt, hãy kiểm tra kỹ thông tin nhà phát triển, lượt tải, đánh giá và bình luận từ người dùng thật.
Trong trường hợp đã lỡ cài, nên nhanh chóng gỡ bỏ và quét virus để bảo đảm an toàn cho thiết bị và dữ liệu cá nhân.