Theo Hoa học trò, gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về việc tìm thấy hình ảnh người thân hay thú cưng đã khuất trên Google Maps Street View. Dù chỉ là những khoảnh khắc vô tình được ghi lại, nhưng với họ, đó là một cuộc "gặp gỡ" đầy bất ngờ và ý nghĩa sau nhiều năm xa cách.
Chẳng hạn, một người dùng TikTok đã chia sẻ video quay lại cảnh cô tìm thấy hình ảnh cha mình đang đứng trước hiên nhà cũ trên Google Maps, ba năm sau khi ông mất. Đoạn video này nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và hàng ngàn bình luận thể hiện sự xúc động.
Nhiều hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội gây xúc động. Ảnh: Hoa học trò.
Tính năng Street View của Google Maps lưu trữ hình ảnh chụp đường phố từ nhiều năm trước. Điều này cho phép mọi người tìm thấy những khoảnh khắc đời thường của người thân, thậm chí từ năm 2009 hay 2012, khi họ vẫn còn sống và đang thực hiện những hành động quen thuộc như tưới cây, đạp xe hay ngồi trước cửa nhà.
Chính sự chân thật, không sắp đặt của những hình ảnh này đã chạm đến trái tim người xem. Chúng đưa họ trở về một thời điểm đã qua, gặp lại những người mà họ tưởng chừng không còn cơ hội gặp lại, tạo nên một sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ.
Thông tin trên Tạp chí Tri Thức, ra mắt năm 2007, Google Street View cung cấp ảnh toàn cảnh 360 độ các tuyến phố trên Google Maps trở thành công cụ định vị được yêu thích. Nhưng cũng rất nhanh chóng, dịch vụ này đã bị chỉ trích vì biến mọi hoạt động đời thường thành hình ảnh công khai, cho phép bất cứ ai trên thế giới cũng có thể “ghé thăm” nơi ở, quan sát ngõ ngách khu dân cư.
Nhiều quốc gia trên thế giới phản ứng dữ dội với Google Street View. Ảnh: Google.
Đức, một trong những quốc gia riêng tư bậc nhất châu Âu, đã phản ứng dữ dội. Năm 2009-2011, gần 250.000 người Đức gửi yêu cầu chính thức buộc Google làm mờ nhà mình, sau khi phát hiện Google còn thu thập trái phép dữ liệu WiFi từ các mạng không bảo mật. Vụ việc khiến chính phủ Đức chỉ trích Street View là “sự vi phạm quyền riêng tư hàng triệu lần”, đòi hỏi ảnh phải bị xóa sau 13 năm và buộc Google phát triển cơ chế cho cư dân dễ dàng yêu cầu làm mờ hình ảnh.
Không chỉ Đức, nhiều quốc gia khác cũng mạnh tay trong vấn đề này. Năm 2010, Ủy viên quyền riêng tư Canada kết luận việc Google thu thập dữ liệu cá nhân từ WiFi không bảo mật trong khi chụp ảnh vi phạm nghiêm trọng luật bảo mật.
Trước khi khởi động dịch vụ, văn phòng Google bị cảnh sát Hàn Quốc đột kích năm 2010 vì nghi ngờ thu thập dữ liệu trái phép. Cùng năm, Chính phủ CH Czech ra lệnh cấm Street View chụp thêm ảnh mới trong năm 2010 vì lo ngại xâm phạm quyền riêng tư.
Ngay tại Mỹ - quê hương của Google, công ty đã phải đối diện với vụ kiện tập thể kéo dài gần 10 năm, kết thúc bằng khoản bồi thường 13 triệu USD (năm 2019) do thu thập trái phép thông tin WiFi bao gồm email, mật khẩu và dữ liệu nhạy cảm của người dân hơn 30 quốc gia. Google trước đó cũng đã nộp phạt 7 triệu USD cho 38 bang Mỹ liên quan đến cùng vấn đề này (năm 2013).
Một cuộc điều tra gần đây của Stuff tại New Zealand đã phơi bày những lỗ hổng đáng báo động về quyền riêng tư của Google Street View. Không chỉ chụp ảnh từ đường công cộng, xe của Google còn đi sâu vào các lối đi riêng, ghi lại hình ảnh toàn cảnh 360 độ của người dân ngay trong sân nhà hoặc thậm chí tại bàn ăn của họ. Ví dụ, một phụ nữ ở Auckland bị chụp khi đang ngồi trong phòng ăn từ lối đi sau nhà, còn một người khác bị ghi hình khi đang cố che mặt khỏi camera.
Google Street View khiến nhiều người dùng khó chịu vì đời tư bị "soi" quá mức. Ảnh minh họa.
Bevan Jones, một cư dân, đã vô cùng bức xúc khi phát hiện Street View "xâm nhập sâu" vào lối đi riêng dẫn vào nhà anh, chụp lại toàn bộ sân và mặt tiền. Sau khi khiếu nại không có kết quả nhanh chóng, anh buộc phải tự gắn nhãn "private property" (tài sản riêng) trên Google Maps để yêu cầu Google xóa ảnh.
Frith Tweedie, giám đốc công ty tư vấn Simply Privacy, chỉ trích hành động này là một vấn đề thường thấy ở các công ty công nghệ lớn. Bà cho rằng: "Những công ty này làm những gì họ muốn, với sự xâm phạm quyền riêng tư như vậy, rồi để cá nhân phải tự tìm cách khắc phục, trong khi lẽ ra chính các công ty phải dự đoán được vấn đề này." Bà nhận định rằng đôi khi các công ty bị cuốn vào tầm nhìn và lợi nhuận mà quên đi nguy cơ hệ thống của họ có thể bị lạm dụng.
Bà Tweedie cũng nhấn mạnh những mối nguy hại tiềm ẩn đối với những người là nạn nhân của bạo hành gia đình hoặc bị theo dõi. Trong những trường hợp này, một hình ảnh tưởng chừng vô hại, dù đã được làm mờ, vẫn có thể cung cấp thông tin đặc biệt hữu ích cho kẻ có ý định xấu. "Ở đó có mối nguy hại thực sự, không chỉ là ai đó nói ‘Tôi không muốn xuất hiện trong hình ảnh’", bà cảnh báo.