(ĐSPL) - Trung Quốc và Mỹ tố cáo lẫn nhau về những hành động liên quan tới tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Đông Nam Á.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị |
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng “lập trường của Mỹ làm cho Philippines tin là họ sẽ thắng trong vụ tranh chấp Biển Đông”. Báo này ngang ngược viết Mỹ khuấy động căng thẳng để “đục nước béo cò” và khuyến khích “những nước như Philippines và Việt Nam có những hành động táo tợn.”
Theo VOA, Hồi đầu tuần này, Mỹ tố cáo Trung Quốc gây bất ổn ở Châu Á bằng những hành động hung hăng và đề nghị các nước tự nguyện đình chỉ các hành vi khiêu khích. Trung Quốc bác bỏ đề nghị đó và tố cáo chính sách xoay trục Châu Á của Mỹ đã gieo rắc những mầm mống bất ổn. Hơn 1.000 binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ đang được bố trí ở Australia, và con số đó dự kiến sẽ tăng tới 2.500 vào năm 2017.
Mỹ-Austrlia phản đối hành động “đe dọa, cưỡng chế” ở Biển Đông
Trong Thông cáo chung tổng kết hội nghị thường niên “2+2” cấp bộ trưởng ngoại giao-quốc phòng, Mỹ và Australia phản đối các hành vi dùng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp “tự nguyện đóng băng” những hoạt động có nguy cơ làm căng thẳng leo thang.
Theo RFI, thông cáo chung khẳng định rằng Mỹ và Australia quan tâm đến việc “duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, hoạt động thương mại hợp pháp mà không bị cản trở và tự do hàng hải, tự do hàng không tại Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Các bên có tranh chấp cần phải “tránh những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng” và “làm rõ và theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trong sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả những điểm được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.
Những quan ngại được Mỹ và Australia bày tỏ trong Thông cáo chung đều liên quan đến các động thái hung hăng áp đặt và đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt là yêu sách chủ quyền mập mờ gói trong cái gọi là “bản đồ 9 đường gián đoạn” (đường lưỡi bò) chiếm gần trọn Biển Đông, vốn bị coi là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý.
Các hành vi của Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xây dựng cơ sở mới hay cải tạo địa hình trên những nơi mà họ đã cưỡng chiếm ở vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng tiếp tục bị tố cáo khi bản Thông cáo chung Mỹ-Australia nêu rõ là hai nước “phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi thực tế trên mặt đất hoặc mặt biển thông qua việc đe dọa hay sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế”.
Mỹ sẽ tăng cường giám sát ở Biển Đông
Các giới chức Mỹ cho biết họ sẽ giám sát “các đảo đá, các đảo san hô, và các bãi cạn” ở Biển Đông để tìm kiếm những dấu hiệu của sự giảm thiểu căng thẳng ở những vùng biển mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong thời gian qua đã đối đầu với tàu Việt Nam và Philippines.
|
Mỹ sẽ giám sát “các đảo đá, các đảo san hô, và các bãi cạn” ở Biển Đông để tìm kiếm những dấu hiệu của sự giảm thiểu căng thẳng. |
Sau khi Tân Hoa nêu lên nghi vấn về điều mà họ gọi là “ý đồ thật sự” của Mỹ ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf nói rằng Washington không hề gây bất ổn ở Biển Đông. Bà Marie Harf khẳng định: “Chính những hành vi hung hãn của Trung Quốc đã gây ra bất ổn. Tất cả những gì mà chúng tôi làm đều nhắm tới mục tiêu giảm thiểu căng thẳng, giúp cho các nước giải quyết những bất đồng của họ bằng đường lối ngoại giao, chứ không bằng những biện pháp cưỡng ép hay khiêu khích như chúng ta đã thấy Trung Quốc thực hiện mỗi ngày một nhiều trong những tháng vừa qua”.
Giáo sư quan hệ quốc tế Thành Hiểu Hà của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng tranh chấp Biển Đông đang trắc nghiệm các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói: “Đó là những dấu hiệu không tốt cho các mối quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là trong lúc hai nước đang cố gắng rất nhiều để xây dựng điều được gọi là mô hình mới của quan hệ nước lớn. Những lời lẽ mà Washington và Bắc Kinh sử dụng để chống lại nhau đang trở nên kịch liệt hơn”.