(ĐSPL) - Nhật Bản và Australia quyết định tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với các tham vọng trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
|
Cuộc hội đàm “2+2” đã diễn ra tại Tokyo, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Australia. |
Theo AFP, trong cuộc đối thoại quốc phòng song phương ngày 11/6, Hai bên đã ký một thỏa thuận trao đổi thiết bị quân sự và một lần nữa lên án thái độ gây hấn nhằm “thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cuộc hội đàm “2+2” đã diễn ra tại Tokyo, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước. Đại diện cho Nhật Bản là Ngoại trưởng Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, trong khi đại diện cho Australia là hai quan chức đồng nhiệm Julie Bishop và David Johnston. Đây là cuộc gặp làm việc “2+2” lần thứ năm giữa hai nước.
Hai bên đặc biệt quan tâm đến khả năng chuyển giao công nghệ Nhật về tàu ngầm cho Canberra, vào thời điểm Australia định thay thế toàn bộ hạm đội tàu ngầm, với tổng ngân sách ước tích 37 tỷ USD trong những năm tới.
Tại một cuộc họp báo kết thúc hội đàm “2+2”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera thông báo hai bên đã ký kết một thỏa thuận về thiết bị và công nghệ quân sự. Quan chức đồng nhiệm Australia tuyên bố hai bên đã biến các quan hệ “vốn đã mật thiết trở thành quan hệ đặc biệt”.
Trong cuộc hội đàm ngày 11/6, các nhà lãnh đạo ngoại giao-quốc phòng Nhật-Australia cùng tuyên bố lên án “việc sử dụng sức mạnh để đơn phương thay đổi nguyên trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”. Đây là thông điệp rõ ràng gửi đến Bắc Kinh, hiện đang có các tranh chấp căng thẳng về lãnh thổ với Nhật tại Biển Hoa Đông, và với 4 nước Đông Nam Á tại Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Vì sao Nhật-Australiatăng cường hợp tác quốc phòng?
Theo đài Tiếng nói nước Nga, chủ đề thảo luận hàng đầu là tình hình phức tạp tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận chung cho vấn đề này và cơ sở cho sự đồng thuận chính là việc Nhật Bản và Austrlia xác định gốc rễ vấn đề bắt nguồn từ các hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chỉ một lần nói rằng tuy liên minh Mỹ-Nhật tiếp tục chiếm vị trí trọng tâm trong chính sách quốc phòng Nhật Bản, nhưng trước những hành động của Trung Quốc, Tokyo cần mở rộng hợp tác quân sự với cả các quốc gia khác. Trong những năm gần đây Nhật Bản đã tích cực thảo luận kế hoạch phát triển hợp tác quốc phòng với Anh, Pháp và Ấn Độ. Đồng thời có sự liên lạc giữa Nhật Bản và Việt Nam, trước việc Trung Quốc gia tăng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Trong số các nước Châu Á-Thái Bình Dương, Australia là một đối tác ưu tiên của Nhật Bản về hợp tác kỹ thuật quân sự. Australia cũng không muốn đặt toàn bộ hy vọng vào đồng minh Mỹ và cũng quan ngại trước tham vọng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi 4 năm nay, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời dự cuộc họp Hội đồng An ninh Nhật Bản (thành lập vào tháng 12/2013). Tại đây, ông Abbott cho biết Australia “cam kết tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, thúc đẩy phát triển chiều sâu sự hợp tác quốc phòng, an ninh”. Hiệp định hợp tác nghiên cứu chế tạo vũ khí giữa hai nước đã trở thành hiện thực, nhờ việc chính phủ Nhật Bản điều chỉnh qui chế cấm xuất khẩu vũ khí từng tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Chuyên gia Victor Pavlyatenko của Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga) nhận định:“Cùng với sự xuất hiện của nội các do ông Abe lãnh đạo, Nhật Bản thay đổi chiến lược đối ngoại và quân sự trong khu vực. Hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nhật Bản và Australia đã được triển khai. Đặc biệt, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Australia công nghệ tàu ngầm hiện đại. Canberra đang rất cần thay thế đội tàu ngầm. Theo đánh giá của các chuyên gia, Australia sẽ chi cho mục đích này khoảng 37 tỷ USD”.
Chưa có thông tin cụ thể về việc Nhật Bản chuyển giao công nghệ hay cung cấp tàu ngầm sẵn sàng sử dụng cho Australia. Tuy nhiên, việc hai bên tăng cường quan hệ quân sự là một bằng chứng nữa cho thấy cuộc chạy đua vũ trang đang ráo riết diễn ra trong vùng. Châu Á-Thái Bình Dương đang biến thành một khu vực bị quân sự hóa nhất thế giới.