Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, ngày 4/3, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết chính quyền nước này có kế hoạch bắt đầu thực hiện các hành động pháp lý đối các bác sĩ thực tập từ chối yêu cầu quay trở lại làm việc của chính phủ.
“Chính phủ vẫn giữ vững nguyên tắc đối với các hành động tập thể bất hợp pháp của các bác sĩ thực tập”, ông Cho Kyoo-hong nói trong một cuộc họp phản ứng của chính phủ.
Theo ông Cho, các cơ quan y tế sẽ bắt đầu kiểm tra tại chỗ để xác định các bác sĩ thực tập chưa quay trở lại làm việc đồng thời thực hiện các hành động theo luật pháp và nguyên tắc của chính phủ. Ông khẳng định sẽ không bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào trong vấn đề này.
Khoảng 9.000 bác sĩ thực tập vẫn từ chối yêu cầu quay trở lại làm việc của chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
“Xin hãy nhớ rằng những bác sĩ chưa quay trở lại làm việc có thể gặp vấn đề nghiêm trọng trên con đường sự nghiệp cá nhân của họ”, Bộ trưởng Cho Kyoo-hong nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Hàn Quốc cũng sẽ bắt đầu thực hiện các thủ tục đình chỉ giấy phép hành nghề của khoảng 7.000 bác sĩ thực tập, đồng thời cho biết điều này là “không thể đảo ngược”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo cho biết, tính đến ngày 28/2, khoảng 8.945 bác sĩ thực tập nghỉ việc và chỉ có 565 người quay trở lại làm việc theo yêu cầu của chính phủ. Nguyên nhân của cơn khủng hoảng này là do kế hoạch tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y trong năm tới.
Giới lãnh đạo Hàn Quốc hi vọng kế hoạch trên sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn và trong những lĩnh vực y tế thiết yếu như phẫu thuật nguy cơ cao, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu. Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho người làm việc tại các khoa quan trọng.
Các bệnh viện lớn của Hàn Quốc hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào các bác sĩ thực tập. Lực lượng này thường phải làm việc khoảng 80 giờ/tuần nhưng chỉ nhận được mức lương được cho là tương đối thấp, khoảng 3,5 triệu won (khoảng 64,5 triệu đồng) mỗi tháng.
Theo hãng tin Reuters, cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ lùi bước. Ngày 3/3, khoảng 20.000 bác sĩ có thể đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn do Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) tổ chức ở phía Tây Seoul bất chấp lời kêu gọi quay trở lại làm việc từ chính phủ.
Trước đó, lực lượng cảnh sát Hàn Quốc cũng đã tiến hành khám xét văn phòng và nhà riêng của các quan chức KMA vì nghi ngờ người trong hiệp hội khuyến khích các bác sĩ đồng loạt bỏ việc cũng như thúc đẩy cuộc đình công.
Phương Uyên (Theo Yonhap và Reuters)