Mới đây, nghệ sĩ Trấn Thành xác nhận bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, một trong những nguyên do là anh đứng quá nhiều trong thời gian dài, được các bác sĩ khuyến cáo nên nghỉ ngơi.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phần lớn bệnh nhân đến suy giãn tĩnh mạch gặp ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều người trẻ từ 30 – 40 tuổi cũng mắc phải căn bệnh này.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch (TP Hồ Chí Minh) cho hay, giãn tĩnh mạch chân (chi dưới) nếu không được phát hiện sớm sẽ để lại những hậu quả từ nhẹ tới nghiêm trọng. Ở mức nhẹ, chân bệnh nhân sẽ sưng phù, gây ảnh hưởng tới cuộc sống. Bệnh cũng có thể gây giãn mạch nhiều, người bệnh sẽ đau nhiều, gây khó khăn đi lại và dễ bị nhầm với bệnh xương khớp. Bệnh tiến triển nặng có thể làm hình thành các cục huyết khối, cục máu đông di chuyển vào phổi có thể gây thuyên tắc phổi và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Căn bệnh khiến anh phải hạn chế xuất hiện trên sóng truyền hình
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chân, điều quan trọng nhất là phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, sẽ có một số yếu tố nguy cơ không thể loại bỏ chẳng hạn như: Tuổi tác, di truyền.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể loại bỏ được như: Người béo phì cần phải giảm cân; hạn chế các thói quen đứng lâu, ngồi lâu. Nên đứng lên đi lại sau 30 phút ngồi hoặc nếu đứng lâu thì phải ngồi nghỉ một chút. Trong thời gian nghỉ có thể tập các bài thể dục giữa giờ, điều này rất tốt cho cơ thể và sức khoẻ tim mạch.
Một số thói quen khác cần phải thay đổi để giảm nguy cơ mắc bệnh chẳng hạn như không nên mặc quần áo bó sát, chật; không nên đi giày cao gót.
"Người bị giãn tĩnh mạch chân sẽ có các triệu chứng cảnh báo như đau ở bắp chân sau, hay mỏi chân. Đa phần các bệnh nhân thường có dấu hiệu chuột rút vào ban đêm, có những bệnh nhân bị chuột rút ít nhưng cũng có trường hợp bị chuột rút không thể chịu được. Khi có dấu hiệu, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa tim mạch, tĩnh mạch thì phát hiện bệnh kịp thời", bác sĩ Hoài Nam nói.
Tỷ lệ người mắc tĩnh mạch ngày càng cao (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, những người trẻ cần duy trì các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, trong đó lựa chọn các bộ môn phù hợp như đi bộ, xe đạp, bơi lội hay tập yoga. Đồng thời kết hợp chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau củ quả tươi, ngũ cốc nhằm bổ sung chất xơ và vitamin, duy trì cân nặng hợp lý.
Ngoài ra nên chọn các trang phục thoải mái, rộng rãi, sử dụng các loại giày đế bằng để di chuyển. Đối với các công việc văn phòng phải ngồi hoặc đứng lâu thì nên có sự thay đổi tư thế, di chuyển đi lại sau mỗi nhiều giờ.
Bác sĩ Hoài Nam lưu ý, khi có dấu hiệu bất thường, mọi người nên đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị đúng và kịp thời. Trên thực tế, có không ít trường hợp bệnh nhân đau chân, đi khám xương khớp và điều trị mãi không khỏi, đến khi chuyển sang khám chuyên khoa tim mạch mới phát hiện bản thân mắc bệnh giãn tĩnh mạch.