(ĐSPL) – Cả gia đình phải cắm cả sổ đỏ để anh Tình được sang Lybia làm việc, thế nhưng, mới làm được 6 tháng thì anh đã phải về nước do tình hình chiến sự leo thang.
Nghe tiếng súng bên tai hàng ngày
Vừa bước chân xuống sân bay Nội Bài chiều 10/8, gần 200 lao động Việt Nam trở về từ Lybia không giấu nổi vẻ vui mừng sau khi an toàn về đến quê hương. Thế nhưng, đằng sau những nụ cười ấy, là không ít lo lắng, trăn trở của họ về những tính toán cho cuộc sống sau này.
Clip: 184 lao động Việt Nam đã trở về từ vùng chiến sự Libya.
|
Anh Trần Sơn Tình cho biết, gia đình anh đã phải cắm cả sổ đỏ để lấy tiền cho anh sang Lybia làm việc. |
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật sau khi về đến sân bay Nội Bài, anh Trần Sơn Tình (quê ở huyện Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, anh vừa mới sang Lybia làm việc được 6 tháng thì có lệnh triệu tập về nước do tình hình chiến sự tại Lybia leo thang.
“Khi chiến sự xảy ra, tôi cùng hàng trăm lao động khác đều rất lo lắng. Đối với chúng tôi, con người quan trọng hơn tiền bạc, nên chúng tôi lo nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ không an toàn để có thể trở về quê hương, mà nếu như vậy thì ở quê sẽ không có ai làm trụ cột để chăm lo cho cả gia đình” – anh Tình chia sẻ.
Vui mừng vì về được đến quê nhà, nhưng anh Tình không giấu nổi vẻ buồn bã, lo lắng. Anh tâm sự: “Về được nước cũng là một điều rất vui. Thế nhưng chúng tôi chưa biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao khi mất đi nguồn thu nhập chính. Trước khi đi, gia đình tôi đã phải cắm cả sổ đỏ để cho tôi đi, nay đi làm được 6 tháng vừa đủ tiền vốn thì lại phải về nước, coi như 6 tháng vừa rồi tôi đi làm không công”.
|
Anh Nguyễn Vĩnh Thành vui mừng khi về đến quê hương, nhưng lại trăn trở không biết thời gian tới sẽ làm gì. |
Anh Nguyễn Vĩnh Thành quê ở Thạch Thất là người đầu tiên bước chân từ máy bay xuống sân bay Nội Bài chia sẻ: “Thực sự khi bước chân về đến đất nước mình, tôi thấy rất vui, nhưng bên cạnh đó, tôi cũng rất trăn trở không biết sắp tới sẽ như thế nào, tôi mới làm việc được 8 tháng rưỡi trong khi hợp đồng là 2 năm. Lương tháng cuối của chúng tôi cũng chưa được lấy, cả 2 phía công ty Đưa chúng tôi sang là công ty Vinamex và công ty chủ đầu tư là công ty Huyndai Amco đều chưa cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin nào”.
Chia sẻ với phóng viên về những tháng ngày sống trên đất Lybia trong tình hình chiến sự căng thẳng, anh Lê Văn Thuận (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) nhớ lại: “Hàng ngày, chúng tôi làm việc bên này thì ngay phía bên kia giao tranh vẫn xảy ra bình thường, tiếng súng vẫn liên tục vang lên. Chúng tôi rất sợ hãi, vì súng ống và đạn pháo họ đưa vào khu đó rất nhiều”.
|
Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ cho những lao động người Việt tại Lybia vừa về nước. |
Hỗ trợ 5 triệu/người
Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đại diện của Bộ này cho biết, đối với những lao động Việt Nam phải về nước trong dịp này, Quỹ hỗ trợ việc làm sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời. Quỹ này hiện do Bộ LĐTB&XH quản lý, tiền quỹ là do người lao động và doanh nghiệp môi giới lao động sang nước ngoài đóng góp. Việc hỗ trợ cho người lao động thế nào sẽ căn cứ vào thời gian lao động, phí môi giới. Hồi tháng 7 vừa qua, 272 lao động Việt Nam phải về nước, Quỹ đã chi ra hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho các lao động.
Theo đại diện Bộ LĐTB&XH, hiện nay đã có những quy định hỗ trợ rất cụ thể trong trường hợp rủi ro cho những lao động từ nước ngoài về nước do khủng hoảng ở nước sở tại. Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất là 5 triệu, tuy nhiên, vị này cho biết, tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể của từng lao động, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Thủ tướng cho phép những mức hỗ trợ cao hơn.
“Đối với những lao động ký hợp đồng đi lao động Lybia với công ty môi giới trong thời hạn 3 năm, căn cứ vào thời gian cụ thể làm việc của từng lao động mà công ty mối giới sẽ phải trả lại số tiền đó. Đối với những lao động đi chưa đến một năm nhưng đã phải về nước dịp này sẽ được hỗ trợ mức cao hơn để bù lại chi phí của người ta bỏ ra”, đại diện Bộ LĐTB&XH cho hay.
Vào 13h30 hôm nay (10/8), chuyến máy bay mang số hiệu 9052 của Hàng không Việt Nam đã đưa 184 lao động Việt Nam từ Cairo, Ai Cập về sân bay quốc tế Nội Bài. 184 lao động đều là công nhân đang làm việc tại các công trình xây dựng của công ty Hyundai Engineering ở thành phố Al Bayda và Benghazi của Lybia. Toàn bộ số công nhân này đều được kiểm tra y tế và được phép nhập cảnh. Đến thời điểm này, 453 lao động Việt Nam đã an toàn về nước. |