Nhiều người biết đến thầy giáo Huỳnh Quang Khải với biệt danh “thầy giáo Doraemon”. Được biết, thầy Khải đã có 13 năm gắn bó với lớp học tình thương 0 đồng dành cho những trẻ em khó khăn.
Dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM khiến thầy Khải phải tạm dừng lớp học tình thương. Không còn là công việc thường xuyên của một thầy giáo, thầy Khải trở thành đầu bếp, người lái xe kiêm vận chuyển lương thực cho người dân sinh sống trên địa bàn thành phố.
“Từ 29/5 lớp học tình thương 0 đồng của tôi phải dừng lại do dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát. Tuy dừng lại nhưng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với học sinh, thậm chí mang gạo, thực phẩm cho học sinh của mình. Tôi chỉ mong các em bình an vượt qua đợt dịch lần này, một ngày không xa tôi sẽ được gặp lại học sinh của mình”, thầy Khải chia sẻ với Infonet.
Chứng kiến nhiều bà con gặp khó khăn trong thời gian TP.HCM giãn cách để phòng chống dịch bệnh, thầy Khải quyết định cùng các thành viên trong gia đình nấu suất ăn miễn phí cho người nghèo.
Hàng trăm suất cơm được gia đình thấy Khải chuẩn bị và gửi tới người cần mỗi ngày. Ảnh: Infonet
Được biết, trong ngày đầu tiên, gia đình thầy Khải nấu 100 suất cơm miễn phí, phát trước cửa nhà. Số lượng suất cơm mỗi ngày sau đó được tăng lên thành 150 suất, rồi 250 suất và hiện là gần 700 suất.
Thầy Khải cho hay: “Mỗi ngày tôi nhận vô số tin nhắn cầu cứu của mọi người. Có những hôm trong 12 tiếng đồng hồ tôi nhận không dưới 3.000 tin nhắn cầu cứu. Có hôm tôi đi tắm 15 phút mà ra ngoài có tới 32 cuộc gọi nhỡ... Có những người cầu cứu tôi vì họ ăn mì tôm cả 2 tháng nay, mỗi bữa ăn nửa gói mì nhưng đến giờ thì mì sắp hết”.
Nam giáo viên tâm sự thêm: "Tôi thấy xót xa lắm vì bình thường tôi ăn mì một tuần là không nuốt nổi mà người ta ăn ròng rã cả tháng. Tội nhất là nhà có trẻ sơ sinh, chồng thất nghiệp, vợ thất nghiệp và không còn khả năng duy trì nên cầu cứu tôi... Vậy là tôi lại lên xe và đi”.
“Bếp ăn 0 đồng” của gia đình thầy Khải “nổi lửa” từ 4h mỗi ngày, khi mọi người còn đang say giấc. Mọi người luôn chân luôn tay chuẩn bị, nấu ngướng tới tận 21h, có bé mới hơn 10 tuổi cũng vào bếp phụ giúp.
Các thành viên trong gia đình thầy Khải hỗ trợ "Bếp ăn 0 đồng". Ảnh: Infornet
Theo lời kể của thầy Khải, mẹ và dì của thầy là người nấu nướng và chế biến chính. Các thành viên còn lại trong gia đình sẽ đảm nhận những việc như nhặt rau, nấu cơm canh, mỗi người một việc phù hợp với độ tuổi. Nhiều tình nguyện viên nhiệt huyết cũng hỗ trợ và sẵn sàng làm đầu mối để “bếp ăn 0 đồng” có nguồn thực phẩm nấu mỗi ngày.
Trong khi đó, thầy Khải là người ở vòng ngoài, chuyên liên hệ lấy thực phẩm cho bếp và đưa cơm đến người cần. Mỗi khi có cơm chín, thầy lại tất bật cho lên xe rồi mang đi tặng cho mọi người.
Nam giáo viên này đã có lúc muốn dừng lại vì quá mệt, trong khi nguồn kinh phí để duy trì bếp và nguồn thực phẩm đôi khi cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, sự động viện của nhiều người đã tiếp thêm động lực để thầy tiếp tục công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Thầy Khải có lúc muốn dừng lại nhưng sự động viên của mọi người đã tiếp thêm động lực để thầy tiếp tục công việc thiện nguyện ý nghĩa. Ảnh: Infornet
Cũng mong muốn được giúp đỡ mọi người trong thời gian dịch bệnh, suốt 2 tháng nay, nhóm của “Thuận Cà Mèn” miệt mài chuẩn bị hàng trăm suất cơm mỗi ngày để gửi tới đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như bà con nghèo ở TP.HCM.
Được biết, “Thuận Cà Mèn” tên thật là Nguyễn Đức Nhật Thuận, chủ quán Cà Mèn nho nhỏ chuyên về các món ăn dân dã Quảng Trị nằm ở đường Hoa Sứ (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Do tiềm lực nhỏ, nhóm của Thuận ban đầu chỉ hỗ trợ tuyến đầu được 300 suất cơm. Tới thới điểm hiện tại, số lượng suất cơm đã tăng lên đến gần 5.000 suất/ tuần. Theo chia sẻ của Thuận, bình quân mỗi ngày, nhóm tự nấu khoảng 700 suất cơm, sau đó trân trọng gửi tới các y, bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa và bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, nhóm của Thuận mỗi ngày cũng gửi tăng hơn 100 phần quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những bà con khó khăn tại TP.HCM.
Nhóm của Thuận có 6 – 7 bạn trẻ, đảm nhận hết các công việc từ chế biến thức ăn tới đóng gói quà tặng. Khoảng 3h mỗi ngày, cả nhóm đã thức dậy, bắt tay vào một ngày lao động thiện nguyện, tới 15h mới tạm nghỉ ngơi. Đến khi trời tối, thực phẩm chưa chế biến chuyển tới, các thành viên lại bắt tay vào việc chuẩn bị cho hôm sau.
“Chúng em làm việc này xuất phát từ trái tim, từ sự trân trọng, tri ân những người của lực lượng phòng chống dịch COVID-19, đồng thời sẻ chia với những bà con đang hụt hơi, đuối sức vì dịch bệnh kéo dài. Phải nói chút góp sức của nhóm có thấm gì với công sức, tính mạng của những cô chú, anh chị đã dấn thân vào nguy hiểm, khó khăn để đem lại sự bình yên cho xã hội”, Thanh Niên dẫn lời của Thuận cho hay.
Đinh Kim (T/h)