Sau bao năm bán hết tài sản để chạy chữa cho cô con gái “cưng” của mình nhưng đều vô vọng, gia đình ông bà lâm vào cảnh trắng tay và nợ nần triền miên. Đặc biệt, mới đây người chồng đã đột ngột qua đời để lại người vợ 62 tuổi bệnh tim và cô con gái ngô nghê như trẻ mới lên ba.
Chắt chiu từng bó rau kiếm tiền mua thuốc
Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2, bà Đỗ Thị Xuân (62 tuổi), trú tại số nhà 296, tổ 14, đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) chua chát tâm sự: “Gia cảnh của vợ chồng tôi luôn rối bời, thiếu trước hụt sau.
Thậm chí đến nỗi khi chồng đột ngột ra đi, bản thân tôi không còn đủ tiền để anh chị em mua giúp chiếc quan tài và mua đất nghĩa trang để ông ấy yên nghỉ. Thấy hoàn cảnh của tôi quá ngặt nghèo, mấy anh chị em trong gia đình bên nhà chồng phải chạy vạy gom góp để lo hậu sự và mai táng cho ông ấy về nơi an nghỉ cuối cùng”.
Căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2 nơi hai mẹ con bà Xuân đang sinh sống. |
Nhấp ngụm trà đắng, bà Xuân ngậm ngùi kể lại câu chuyện cách đây 27 năm về trước, sau hơn 10 năm cưới nhau, vợ chồng bà không sinh được con. Khi đó nghe ai mách bảo gì thì lập tức vợ chồng bà liền tìm đến gặp để xin chữa bệnh nhưng cuối cùng vẫn chẳng có kết quả gì.
Lúc đầu hai vợ chồng tự động viên nhau, thôi kệ số phận mình không sinh được con thì phải chịu chứ biết làm sao, nhưng nghĩ mai kia đến lúc xế chiều không có con cháu chăm sóc thì biết bám víu vào ai, anh chị em thì kiến giả nhất phận, nên ông bà đã tính tới việc xin con nuôi.
“Tôi còn nhớ y rằng, một cơn mưa tầm tã trung tuần tháng 10 năm ấy, hai vợ chồng đi chợ về thì tình cờ phát hiện một đứa trẻ mới lọt lòng bị mẹ ruột bỏ rơi tại nhà đỡ đẻ. Thấy đứa trẻ khóc thảm thiết, hai vợ chồng thương xót nên đến xem và xin cháu về nuôi. Có được đứa nhỏ là niềm tin và hy vọng của vợ chồng tôi.
Khi đứa bé được tròn một tháng, vợ chồng tôi quyết định đặt tên cho con là Tôn Nữ Cẩm Phượng với hy vọng sau này đứa bé sẽ yêu thương gắn bó và là nơi nương tựa của chúng tôi suốt đời. Tuy nhiên, hơn bảy tháng trôi qua thấy con không lật, bò và ít cười như bao đứa trẻ khác, hai vợ chồng tôi luôn lo lắng mất ăn mất ngủ.
Chúng tôi đưa bé Cẩm Phượng đến bệnh viện Trung ương Huế thăm khám. Sau những ngày chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi, vợ chồng tôi bủn rủn khi các bác sỹ buồn rầu cho biết bé Cẩm Phượng bị bệnh bại não bẩm sinh” - bà Xuân tâm sự.
Nguyện nuôi con suốt đời
Với kết quả bệnh tình của Cẩm Phượng như vậy, khiến ông bà càng thương con nhiều hơn. ông bà luôn nghĩ rằng tuy không sinh thành nhưng đã bế cháu về nhà, yêu thương nuôi nấng, đặt tên con theo họ mình nên không nỡ lòng nào vứt bỏ đứa bé. Từ một gia đình cuộc sống ổn định nhất nhì trong xóm nhưng đùng một cái hai vợ chồng bà Xuân lâm vào tâm trạng buồn bã và kinh tế thiếu trước hụt sau.
Bằng mọi cách phải có tiền nuôi và chữa bệnh cho con, ông bà hằng ngày phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm từng đồng, nhưng thời buổi còn khó khăn nên vợ chồng chỉ cố gắng tích luỹ được số tiền ít ỏi để mua thuốc chữa bệnh cho con.
Nghĩ là làm, để mong con được khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác trong xóm nên hai vợ chồng bà Xuân tích luỹ được bao nhiêu cứ lo thuốc men cho cô con gái “cưng” của mình. Nhưng bệnh tình của Cẩm Phượng cứ kéo dài năm này qua năm khác khiến hoàn cảnh gia đình của ông bà lâm vào cảnh bi đát và ngày càng khó khăn hơn. ông bà kiệt sức dần. Bà Xuân vốn bị cao huyết áp và bệnh tim lại tái phát khiến bà ngất xỉu nhiều lần.
Bà Xuân cho biết: “Lúc đó, cổ của cô con gái “cưng” của chúng tôi cứ ngật lên ngật xuống. Muốn cho Phượng ăn được là phải để bé nằm hoặc có người giữ ở phần đầu cho cháu. Mãi sau này đến hơn 5 tuổi Phượng mới tự ngồi được, dù hơi xiêu vẹo, không được cứng cáp cho lắm nhưng vợ chồng tôi rất vui và phấn khởi. Tuy nhiên, cháu vẫn được bố mẹ giúp đỡ cho cháu ăn uống, giúp toàn bộ sinh hoạt và vệ sinh cá nhân hằng ngày”.
Trong căn nhà ọp ẹp của bà Xuân không có của cải gì đáng giá cầm cố mua thuốc thang cho hai mẹ con để ổn định sức khoẻ qua ngày. Bà Xuân luôn thở dài: “Nếu không may tôi đi trước thì không biết ai chăm sóc cho cháu những ngày còn lại, vì năm nay Phượng đã tròn 27 tuổi nhưng chẳng khác gì như một đứa trẻ lên ba. ông Tân đã bỏ hai mẹ con tôi ra đi về với tổ tiên.
Từ ngày ông ấy ra đi là những ngày u ám nhất của cuộc đời của tôi. Tôi lớn lên đã không thấy mặt cha là ai, chỉ biết hai mẹ con tự bám víu vào nhau để sinh sống đến khi tôi lập gia đình. Nhưng giờ đây, tôi lại tiếp tục lặp lại cảnh mẹ già nuôi con, lại là con bệnh tật”, bà Xuân với đôi mắt đỏ hoe buồn bã.
Chị Tôn Nữ Cẩm Phượng đã 27 tuổi nhưng ngô nghê như trẻ mới lên ba. |
Bà Xuân cũng cho biết thêm, Cẩm Phượng tuy ngây ngô là thế nhưng trong sâu thẳm tiềm thức trái tim nó lại rất gắn bó và có tình cảm với cha mẹ. Vì cách đây hai năm các ni cô ở trường Trẻ khuyết tật Thủy Biều đến đặt vấn đề đưa Phượng về nuôi. Con gái tôi vốn dĩ chẳng nói được gì và thấy người lạ đến là nó sợ run lẩy bẩy.
Thế nhưng, không ngờ hôm ấy cháu lại mỉm cười và lắc đầu nhiều lần như muốn nói lên câu: “Con không muốn đi mà chỉ muốn ở với cha mẹ” khiến hai vợ chồng tôi ứa nước mắt và không nỡ lòng gửi con vào trường nhờ các cô nuôi hộ. Vậy là chúng tôi quyết định khổ cực sống chết có nhau để chăm sóc cho con đến cùng”.
Bây giờ người chồng trụ cột của gia đình đã vĩnh viễn ra đi không còn nữa, nay bà Xuân lại bị bệnh tim và cao huyết áp thường tái phát, nhưng bà hàng ngày phải chắt chiu từng đồng một từ những bó rau, bó củi bày bán trước cửa nhà để kiếm tiền mua thuốc và chăm sóc cô con gái bệnh bại não.
Với tấm lòng thơm thảo, hai mẹ con bà Đỗ Thị Xuân rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm gần xa để vơi bớt phần nào nỗi bất hạnh và khó khăn cho gia đình, đặc biệt là Tôn Nữ Cẩm Phượng.
Để có tiền thuốc thang cho con và cả gia đình, bà Xuân vừa buôn bán rau củ quả ở trước mặt nhà để tiện bề chăm trông chừng con. Còn ông Tân (lúc còn sống) bôn ba chạy vạy khắp nơi xin làm thuê và ai mướn gì cũng làm để kiếm tiền sống qua ngày cùng với vợ con. Bà Xuân tâm sự, có thời gian mưu sinh chốn quê nhà nhưng vẫn không đủ ăn nên hai vợ chồng cùng con khăn gói lên đường vào Nam. Lúc đó, chồng đi làm thuê còn tôi xin giúp người ta rửa chén bát trong các quán ăn ven đường với đứa con luôn bên cạnh trên chiếc xe lăn cùng mẹ để rửa chén bát. Tha hương cầu thực một thời gian dài nhưng vẫn không thay đổi được gì, đồng thời do tuổi đã về chiều nên vợ chồng bà lại đưa con về Huế sinh sống. |