Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đau lòng chuyện đời người đàn ông 60 tuổi "gà trống nuôi con"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tưởng rằng hạnh phúc mỉm cười với cuộc hôn nhân chắp vá, có được niềm an ủi lúc tuổi xế chiều, không ngờ người vợ bạc tình đã đẩy ông vào cảnh cùng quẫn.

(ĐSPL) - Tưởng rằng hạnh phúc mỉm cười với cuộc hôn nhân chắp vá, có được niềm an ủi lúc tuổi xế chiều, không ngờ người vợ bạc tình đã đẩy ông vào cảnh cùng quẫn, cùng với nỗi xót xa khi đứa con gái khóc ngằn ngặt trên tay vì khát sữa. Nỗi đau tình cùng với nỗi day dứt của người cha khi không lo được chu đáo cho con khiến ông buồn quay quắt...

Bi kịch “mối tình già”

Quê gốc ở Hương An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), tuổi vừa đôi mươi, Võ Văn Út rời xứ Quảng vào Tiền Giang quê mẹ tìm kế sinh nhai. Rắn rỏi, có học thức, Út được nhiều bà con nơi đây quý trọng. Tuy nhiên, bản tính thích lang bạt ngao du của tuổi trẻ khiến bước chân phiêu du của chàng trai lang thang mãi chưa có đểm dừng. Từ Tiền Giang, út lên Sài Gòn, rồi xuống Vũng Tàu, học nghề đi biển rồi theo chân các thuyền câu nơi đây rong ruổi khắp nơi trên mặt đại dương tìm kiếm nguồn cá, mực.

Mải mê với những chuyến biển, đến khi nhìn lại thì tuổi đã qua 50 tự bao giờ. Chân mỏi, gối chồn, đến lúc này, ông mới giật mình nhận ra, mình vẫn còn độc thân đơn chiếc, tấm áo rách không có người vá, bữa cơm lúc trở trời không có ai lo. Cha mẹ đã mất, người anh ruột đã hy sinh trong chiến tranh, ông Út chẳng còn ai thân thích bên mình. Bởi vậy, khi tình cảm đến với một người phụ nữ quê Quảng Ngãi đã thôi chồng ở Vũng Tàu khiến ông cảm động. Ước mong có một gia đình nhỏ, một tổ ấm khiến ông chấp nhận gá ghép với người phụ nữ đã “một lần đò” ấy.

Từng được cha mẹ cho học hành đàng hoàng, cho nên dù lăn lộn với sóng gió bao năm, ông vẫn không quên chuyện thủ tục cưới xin đàng hoàng. 60 tuổi mới biết đến duyên tình muộn màng, không muốn để cho người phụ nữ của mình chịu thiệt thòi, dù chuyện làm thủ tục gặp nhiều khó khăn do thay đổi chỗ ở qua nhiều nơi nhưng ông cũng cố gắng làm cho được giấy đăng ký kết hôn rồi đưa vợ đi chụp ảnh cưới. Hạnh phúc càng nhân lên khi người phụ nữ cho biết đang mang bầu đứa con với ông. Cả nhà đùm túm nhau về quê vợ ở Quảng Ngãi chờ ngày vợ “mãn nguyệt khai hoa”.

Khát khao được làm cha khiến ông Út chẳng nề hà bất cứ công việc gì. Mặc dầu tuổi đã cao, ông vẫn ráng kiếm tiền dành dụm để cho vợ sắp tới ngày sinh nở cùng hai con riêng của vợ có chỗ cậy nhờ. Chưa tới ngày dự sinh, nhẩm tính số tiền dành dụm bấy lâu mang về cũng sắp cạn, ông xin bạn cho đi theo một thuyền câu cá ngừ đại dương ở Bình Định, định kiếm tiền về lo vợ con sinh nở cho đàng hoàng. Ai ngờ, vợ ông sinh non, bé gái chào đời sớm hơn dự tính. “Lúc hay tin, tui đang ở trên ghe. Cũng may, trời thương, mọi chuyện ổn thỏa, mẹ tròn con vuông”, ông Út kể lại.

Đáng buồn thay sau chuyến đi biển trở về, nhà ngoại lại đuổi đi không cho nương nhờ nữa. Ông Út đành đưa vợ và 3 đứa con về quê mình, nương nhờ nhà người quen mấy ngày rồi thuê nhà trọ tá túc. Xin được việc làm bốc vác tại một xưởng phế liệu gần nhà trọ, ông Út mừng lắm, nai lưng ra làm để lấy chút tiền công về lo gạo mắm, cơm nước cho vợ con. “Nhiều người bảo tui ngu, không dưng gì đem thân già đi cày lo cho con riêng của vợ, nhưng mình thương người ta thì cũng thương luôn con họ. Có ai ngờ đâu, con họ thì mình thương, mà đứa con đứt ruột đẻ ra, cô ấy cũng không màng tới”, ông nói nghẹn.

Cô con gái nhỏ là niềm vui, niềm hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng của cuộc đời ông. Ảnh Hà Kiều 

Rơi nước mắt vì đứa con thơ khát sữa

Số tiền ít ỏi ông Út kiếm được mỗi ngày không làm người vợ thoải mái. Biết vợ muốn bỏ đi nhưng ông không thể ngăn cản cho đến ngày đi làm về, thấy đứa con khóc ngặt vì khát sữa. “Xưa giờ, tui đọc báo cũng nghe nhiều về chuyện cha mẹ bỏ con mới sanh, rồi cha mẹ chia tay, ly dị để con bơ vơ. Nhưng cũng chỉ nghe chứ chưa từng chứng kiến. Quá nửa đời người, lần đầu tiên tôi biết một người mẹ sẵn sàng dứt vú khỏi miệng con khi đứa trẻ mới được 2 tháng tuổi. Cay đắng thay đó lại là người đầu ấp tay gối với mình”, ông Út cay đắng kể lại.

Không có người trông con nên dù tiền bạc cạn kiệt, ông cũng đành phải nghỉ việc ở nhà chăm chút cho đứa con bé bỏng. Mấy ngày đầu, đứa bé khóc ngặt vì thiếu sữa mẹ, ông chạy ra tiệm tạp hóa mua đại lon sữa bò về pha rồi tập cho con bú bình. Người đàn ông 61 tuổi đời dày dạn sương gió, từng bôn ba qua tận vùng biển Philippines, Indonesia câu mực, cá ngừ chưa một lần chùn chân trước sóng to, gió lớn hay bị tàu nước ngoài cướp bắt giờ rớt nước mắt trên vì thương đứa con gái còn đỏ hỏn đã bị mẹ bỏ rơi.

Trong phòng trọ của ông, tấm hình cưới - minh chứng của cuộc hôn nhân muộn màng vẫn còn đó như muốn trêu ngươi cho số phận. Giờ thì giấy đăng ký kết hôn chưa ráo mực, con ông đã bơ vơ. Quen dần với những giọt sữa đặc pha loãng với nước sôi, giờ bé gái bắt đầu chơi ngoan thì người cha lại đối mặt với một nỗi lo mới: Lấy đâu ra tiền sữa hằng ngày cho con và làm sao đăng ký được khai sinh cho bé. Bé gái sinh ở nhà, không có giấy chứng sinh của bệnh viện nên khi ông bế con đi làm giấy khai sinh, cán bộ tư pháp xã lắc đầu không xác nhận.

Không có khai sinh cũng đồng nghĩa với việc bé gái không được chích vắc-xin tiêm phòng theo tiêu chuẩn, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nói dại, nhỡ con có ốm đau gì, ông út cũng không biết phải làm sao khi khai sinh là thủ tục đầu tiên nhưng không thực hiện được.

Giờ cái tên cái họ đàng hoàng cho con cũng không làm được khiến tôi đau đớn lắm...”, ông Út nói nghẹn. Thậm chí bây giờ ra đường, nói con bé là con của ông, chắc chẳng ai tin. Không có giấy khai sinh, không có gì chứng minh được đứa bé là máu mủ ruột rà của mình, ông lo người ta nghi ông bắt cóc trẻ con, rồi mang con ông đi mất.

Sống cầm cự hơn 20 ngày với kí gạo, chai mắm của những người xung quanh san sẻ, mới đây, một điểm giữ trẻ gần nhà thương tình nhận giữ đứa bé để ông đi làm. Buổi sáng, ông ẵm con qua nhà trẻ gửi, mượn xe đạp của bà chủ đi làm, chiều về đón con, nấu nướng qua loa rồi tắm rửa, cho con uống sữa, dỗ con đi ngủ.

Không có nhiều tiền, ông Út chỉ dám mua lon sữa đặc có đường về pha cho con, phần mình chỉ dám mua quả trứng hoặc trái khổ qua xào luộc ăn qua bữa. Thấy vậy, chủ điểm giữ trẻ mắng ông té tát, hỏi ông có muốn hại con không khi con bé xíu xiu mà cho uống sữa đặc? Nhưng ông lấy đâu ra tiền mua sữa chuyên dụng cho con...?!

Những người cùng xóm trọ thương tình, mua cho bé lon sữa bột gửi ở điểm giữ trẻ nhờ họ cho ăn giúp, còn ở nhà, ông vẫn cho đứa bé 3 tháng tuổi uống sữa đặc có đường. Vất vả chăm con, nhưng mỗi chiều về, nỗi sầu trong lòng khiến ông chẳng thiết tha ăn uống. Nhiềm hôm nửa đêm con thức khóc quấy khiến ông mặt mũi bơ phờ nhưng vẫn phải gắng gượng đi làm. Ông còn lo sợ người mẹ nhẫn tâm kia một ngày nào đó sẽ quay lại, không phải để nuôi con, cho con bú mà bắt đứa bé đi bán.

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng bao nhiêu người tới xin con bé làm con nuôi, ông gạt phắt, thậm chí đứng dậy đuổi về ngay khi người ta ngỏ lời. Với ông, có nghèo khổ cỡ nào cũng ráng nuôi bé khôn lớn, cho ăn cho học, bởi đứa bé là niềm hy vọng và niềm vui cuối cùng lúc tuổi già của ông. Ông nguyện lo cho con bằng tất cả tình thương và sự cố gắng của mình để nuôi nấng cho con khôn lớn, nên người.


Tin nổi bật