Nội dung Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định lỗi không chấp hành tín hiệu đèn với xe máy sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng, còn người điều khiển ôtô vi phạm sẽ bị phạt 18 đến 20 triệu đồng và áp dụng trừ điểm trên GPLX.
So với mức xử phạt như tại nội dung Nghị định 100 và Nghị định 123 trước đây, hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt nặng hơn với khoản phạt tăng gấp nhiều lần.
Hiện nhiều nước châu Á cũng có chế tài nghiêm khắc với hành vi vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, các hành vi vi phạm giao thông được chia vào 4 nhóm chính và phân biệt bởi các màu Trắng, Xanh, Đỏ và Vàng. Hành vi vượt đèn đỏ thuộc nhóm Vàng, sẽ khiến người điều khiển phương tiện bị trừ 2 điểm.
Người vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông đồng thời phải chịu khoản phí phạt dao động từ 6.000 đến 12.000 yen (tương đương từ 974.000 đến 1,9 triệu đồng) tùy vào loại phương tiện điều khiển.
Giao thông tại Nhật Bản. Ảnh minh họa
Nhật Bản cũng có quy định khắt khe liên quan đến hành vi điều khiển xe trong tình trạng say xỉn.
Khi nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng 0,03%, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm, cộng khoản tiền phạt lên đến 500.000 yen, tương đương khoảng 81,1 triệu đồng.
Nếu nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng 0,05%, mức phạt tăng lên 1 triệu yen (tương đương hơn 162 triệu đồng) và người vi phạm có thể đối diện án tù lên đến 5 năm.
Malaysia
Luật Giao thông Đường bộ năm 1959 của Malaysia quy định người lái xe không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông có thể bị phạt ít nhất 300 RM (khoảng 1,7 triệu đồng) và tối đa 2.000 RM (hơn 11 triệu đồng). Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng người điều khiển phương tiện phải đối mặt 6 tháng tù giam.
Nhằm nâng cao tính răn đe khi số trường hợp vi phạm luật giao thông tăng mạnh trong thời gian qua, Malaysia đang xem xét đưa những người vi phạm luật giao thông vượt đèn đỏ ra tòa thay vì chỉ phải nộp tiền phạt như trước đây.
Thái Lan
Tại "xứ sở chùa Vàng", mức xử phạt cho hành vi lái xe vượt đèn đỏ ở Thái Lan là 4.000 baht, tương đương gần 3 triệu đồng. So với mức phạt 1.000 baht (tương đương khoảng 746.000 đồng) ở quy định cũ, số tiền phạt đối với hành vi lái xe vượt đèn đỏ ở xứ chùa vàng đã tăng gấp 4 lần.
Thái Lan có quy định nghiêm khắc với hành vi điều khiển phương tiện khi say xỉn. Nếu vi phạm lần đầu, mức phạt sẽ từ 5.000 baht đến 20.000 baht (khoảng 3,7-14,9 triệu đồng), hoặc phạt tù tối đa một năm, hoặc kết hợp cả 2 hình phạt.
Nếu người vi phạm bị phát hiện tái phạm trong thời hạn 2 năm, số tiền phạt sẽ là 50.000-100.000 baht (khoảng 37,3-74,6 triệu đồng), hoặc phạt tù tối đa 2 năm, hoặc kết hợp cả 2.
Giao thông tại Thái Lan. Ảnh minh họa
Singapore
Mỗi tài xế ở Singapore có mặc định 0 điểm khi bắt đầu tham gia giao thông. Mỗi hành vi phạm luật đều khiến tài xế nhận điểm trừ.
Quy định ở đảo quốc sư tử nêu rõ hành vi điều khiển phương tiện không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông (chẳng hạn vượt đèn đỏ) sẽ khiến người cầm lái ôtô bị trừ 12 điểm, bên cạnh khoản phạt 400 SGD (khoảng 7,5 triệu đồng) với xe cỡ nhỏ, tăng lên thành 500 SGD (khoảng 9,3 triệu đồng) cho phương tiện hạng nặng.
Hành vi này ở người đi xe máy sẽ bị xử phạt 200 SGD, tương đương khoảng 3,7 triệu đồng.
Người vừa được cấp bằng (bằng lái môtô dấu P ở Singapore) sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe nếu tích lũy đủ 13 điểm trừ trong vòng 12 tháng đầu tiên sau khi nhận bằng. Khi rơi vào trường hợp này, người bị tước bằng lái môtô phải thi lại các bài sát hạch lý thuyết thực hành để được cấp lại giấy phép lái xe.
Các tài xế được cấp bằng lâu năm và không có tiền sử vi phạm sẽ bị tước bằng trong tối đa 12 tuần nếu tích lũy đủ 24 điểm trừ trở lên trong vòng 24 tháng. Khi đã có tiền sử vi phạm, tài xế sẽ bị tước bằng lái điều khiển môtô trong tối đa 36 tháng nếu bị trừ 12 điểm trong vòng 12 tháng.