Âm nhạc thì không có chuyện già, trẻ...
Chào Ánh Tuyết, thỉnh thoảng, khán giả vẫn thấy chị "than thở" mình lận đận trên con đường ca hát?
Con đường mà tôi đã và đang đi bao phen phải “bầm dập” và mãi đến bây giờ cũng vậy. Mấy năm gần đây, tất cả mọi cố gắng của tôi đều không đạt được kết quả như mong muốn, luôn luôn có những sự cố xảy ra. Gần 40 năm làm nghề, bằng kinh nghiệm cảm nhận cuộc sống, trải nghiệm bao thăng trầm khổ ải, cái may, cái rủi, số phận làm con người ánh Tuyết thay đổi. Hồi nhỏ tôi rất nóng tính, tôi không nói nhiều, không thích thanh minh, phân bua. Tính nóng nhưng tôi nhịn giỏi, tuy nhiên đến lúc gọi là “tức nước vỡ bờ” thì tôi trở nên gay gắt. Có được ngày hôm nay là do tôi tự lập mà ra.
Chị có nhận xét gì về thực tế biểu diễn âm nhạc hiện nay?
Nhìn chung là sân khấu biểu diễn gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế chung của xã hội. Hiện nay ít có chương trình hay do khó khăn về kinh phí, trong lúc các game show được đầu tư khá chu đáo, mọi người vẫn biết game show ca nhạc đa số là những sắp đặt, nhưng vẫn có cái để khán giả xem. Tuy nhiên, các game show ca hát trên truyền hình hiện nay phần lớn là hát nhạc ngoại quốc và “nhạc trẻ”, nên chương trình những ca khúc trữ tình vẫn rất cần thiết cho một bộ phận khán giả.
Với một sự chuẩn bị đầy đủ, có đầu tư và nhiều tâm huyết, theo chị tại sao phòng trà ATB mà chị từng kinh doanh lại không được thành công như mong muốn?
Tôi là người không thích tranh giành. Có nhiều người làm nghệ thuật theo hướng thương mại thì họ sẽ sẵn sàng “chiến đấu”. Còn tôi lại quan niệm rằng làm điều gì lòng mình cảm thấy nhẹ nhõm, đồng nghiệp vui, khán giả hài lòng thì cứ cố gắng làm, đừng chèn nhau và cũng đừng làm tổn thương nhau. Tôi không phủ nhận nghệ thuật cũng cần phải kinh doanh thì mới sống được nhưng kinh doanh nghệ thuật là kinh doanh văn hóa. Ngay từ đầu, tôi đã chọn cho mình một hướng đi là kinh doanh văn hóa và có thể cũng chính vì điều đó mà ATB không thành công về mặt kinh tế vì nó thật sự không biết cách chạy theo thị trường.
Từ việc kinh doanh không thành công của phòng trà ATB cho thấy nhu cầu thưởng thức dòng nhạc tiền chiến ở Sài Gòn còn rất thấp. Chị nghĩ sao về điều này?
Nếu tĩnh tâm chú ý, từ xưa đến giờ nhạc xưa luôn nhiều hơn nhạc nay. Nhưng do nhiều lý do nên mọi người hiểu lệch đi. Vẫn những bài hát đó, nhưng nếu những nghệ sỹ xưa hát thì gọi là “nhạc vàng”, mà Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng hát thì gọi là nhạc trữ tình nên làm lớp trẻ hiểu sai. Trước đây, mọi người cứ nghĩ “nhạc xưa”, “nhạc già” thì chỉ có người già đến nghe, chỉ có những mái đầu bạc tìm đến để hồi tưởng. Nhưng rất nhiều người trẻ đưa cha mẹ hay ông bà tới xem, họ cũng rất thích, vì xúc động khi nghe nhạc xưa. âm nhạc thì không có chuyện già, trẻ, chỉ có hay hay dở, có biết thưởng thức, cảm nhận hay không mà thôi.
Ca sỹ ánh Tuyết cùng các nghệ sỹ trong một cuộc thi âm nhạc. |
Đam mê thì không biết thế nào là đủ...
Nghe nói chị từng bị "hò hét" khi hát nhạc tiền chiến? Trong thời buổi "nhạc chợ" tràn lan, nhưng không ít người thích nghe sao chị không đổi gu chạy theo thị hiếu của khán giả?
Nhớ lại ngày xưa, khi tôi còn trẻ, có lần đang hát thì bị một nhóm khán giả hò hét và đuổi xuống chỉ vì “tội” hát dòng nhạc tiền chiến. Nhưng tôi vẫn đứng hát bằng bản lĩnh của người nghệ sỹ và cái tâm của người làm nghề nên đã khiến nhiều khán giả vỗ tay, còn nhóm người kia thì phải im thin thít. Tôi không trách họ, không phải họ quay lưng lại với dòng nhạc tôi đang theo mà chỉ là lúc bấy giờ họ chưa cảm nhận được hết cái hay của dòng nhạc này.
Khoảng thời gian vài năm trở lại đây, có một xu hướng là các ca sỹ trẻ đổ xô hát dòng Bolero. Chị đánh giá xu hướng này như thế nào?
Tôi cho rằng các bạn trẻ không định hình được, nên họ đang bối rối. Đến với dòng nhạc bolero là tốt, nhưng phải hát cho đúng. Những người đi trước đã trải nghiệm, các bạn trẻ phải cẩn thận khi học lại, khi hát lại. Bolero không phải dòng nhạc sến, ngày trước cũng không gọi là dòng nhạc sến. Nhạc bolero là chúng ta học từ phương Tây, nhưng điệu nhạc bolero rất dễ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và câu chuyện rất Việt Nam nên nó rất dễ đi vào lòng người, trải rộng từ giới trí thức đến bình dân. Kể cả những người không biết chữ, không biết gì về âm nhạc cũng sẽ “cảm” rất nhanh. Hiện nay, các ca sỹ trẻ hát dòng nhạc bolero đa phần giống những ca sỹ trước, nhưng lại không bằng. Vì thế phải hiểu về bản chất dòng nhạc mới hát hay được.
Không quá khi nói rằng, đời sống âm nhạc giải trí hiện nay chủ yếu phản ánh qua các gameshow, các chương trình có chất lượng hằng năm rất ít. Các gameshow chủ yếu là cuộc chơi lời - lỗ của nhà tổ chức. Chị nghĩ gì về thực trạng này?
Công bằng mà nói, các gameshow đã làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn, mọi người có nhiều điều kiện để thưởng thức, để nhìn nhận tốt, xấu, nâng cao trình độ thẩm âm của công chúng. Nhưng khi nhiều gameshow quá, bị lạm dụng quá thì gây nhiễu và do mục đích của những người làm gameshow là kinh doanh nên chỉ có một vài chương trình đầu là nghệ thuật, rồi dần dần lại lạm dụng để kinh doanh, kiếm tiền bằng mọi cách. Mở đầu thì rất hay, nhưng càng về sau càng lệch đi, và ngay cả những người thưởng thức cũng trở nên ích kỷ, cũng đấu đá. Điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà không ai nhìn thấy. Trong Showbiz hiện nay người ta tìm mọi cách chơi xấu, tìm mọi cách xỉa xói nhau. Điều đó vô tình làm lệch đi cả một thế hệ sau này và con đường phát triển âm nhạc của đất nước cũng sẽ bị lệch lạc.
Chị giống như con ngựa bất kham? Chạy riết trong đời sống showbiz mà không ngưng lại hay suy nghĩ về khoảng chững lại cần thiết. Cái gì làm nên điều ấy?
Đối với âm nhạc, chẳng biết nói thế nào về thời điểm dừng lại. Niềm đam mê cũng chẳng biết nói thế nào là đủ. Tại vì, những gì tôi muốn làm nó nằm sâu trong con người, trừ khi tôi muốn cắt đứt đi, hoặc có những nguyên nhân phải cắt đứt, không thể làm được mới dừng lại. Nếu còn có điều kiện thì tôi vẫn làm thôi. Hơn nữa, cách làm của tôi ngẫu hứng, đột biến và bất thình lình. Khi đã muốn thì không ai cản được dù biết ngày mai chỉ có một người đến xem thôi vẫn phải làm bằng được.
Hát là được tâm sự... Chị từng có show diễn chỉ có vài chục khán giả. Cảm giác nhìn khán phòng rộng thênh mà ít khán giả nghe hát thế nào? Tôi từng có những đêm hát với chỉ một người khách phòng trà nhưng tôi vẫn hát say sưa, không vì thế mà dao động. Các em ở phòng trà bảo, sao chị hay thế? Tôi nghĩ đó là bản lĩnh nghệ sỹ và cần phải tập. Đã ra sân khấu là phải hát bằng niềm đam mê, đừng có suy nghĩ gì cả. Phải biết yêu, biết thương và biết trau chuốt giọng hát của mình thì mới len vào được trái tim người nghe. Cho nên dù 5, 10 khách cũng không hề hấn gì bởi tôi đang hát là được tâm sự, biểu lộ bằng những ca khúc, ca từ của các tác giả mà đôi khi ngồi trò chuyện thôi không thể nói lên lời được. Hát để tri ân khán giả Những chương trình của chị vẫn đông người xem và được biết là doanh thu không hề thấp? Đúng, tôi may mắn vì có những người nghe tri kỷ. Tôi làm chương trình hầu như theo ngẫu hứng và không biết tính toán chi li, nhưng doanh thu thì nhiều khi hơn cả mong đợi. Điều đó làm cho tôi có niềm tin, rằng khán giả vẫn chờ đợi mình. Cái thời khó khăn mà mình vẫn nuôi dưỡng đam mê của mình, còn bây giờ thì đỡ nhiều rồi. Hát là vì yêu thích lắm những ca khúc đã thành kinh điển của âm nhạc dân tộc, và vì hát để tri ân khán giả của mình nữa. |
Xin cảm ơn chị!