Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ca sĩ và nghệ sĩ thần tượng: Ranh giới mong manh nhưng luôn tồn tại

(DS&PL) -

Giữa ca sĩ và thần tượng (hay nghệ sĩ giải trí) luôn có một ranh giới về giá trị, yêu cầu cùng đặc thù công việc.

Khi một người nổi tiếng muốn "đá chéo sân", dấn thân hoạt động nghệ thuật, lĩnh vực âm nhạc thường là lựa chọn đầu tiên.

Đặc biệt, ở Việt Nam, khi ranh giới giữa ca sĩ và nghệ sĩ thần tượng không được phân biệt rạch ròi, nên người nổi tiếng chỉ cần “cầm mic lên” đã được gọi là ca sĩ dù không được đào tạo bài bản về kỹ năng chuyên môn. Vì vậy, việc hát nhép xảy ra khá phổ biến trên truyền hình, ở cả các chương trình truyền hình trực tiếp lẫn game show.

Từ vấn đề hát nhép, hát đè của các nghệ sĩ

Mới đây, concert của Hoàng Thùy Linh dính nhiều thị phi liên quan đến chuyện hát live, vấn đề này một lần nữa được cư dân mạng đem ra bóc tách, thảo luận. 

Trái ngược với thái độ trịch thượng cùng câu trả lời lan man trước đó khi được hỏi về khả năng hát live, Hoàng Thùy Linh cho thấy sự thiếu hụt lớn về khả năng thanh nhạc. Nữ ca sĩ không kiểm soát được cột hơi, thường xuyên chênh phô và không ổn định dù đã hát đè trên nền nhạc gốc.

Hoàng Thùy Linh cho thấy kỹ năng thanh nhạc hạn chế tại Vietnamese Concert. Ảnh: FBNV

Đầu năm nay, Won Young và Leeseo nhóm IVE hứng chịu “mưa gạch đá” vì hát nhép trên sân khấu âm nhạc cuối năm MBC Gayo Daejun 2022. Sân khấu được ghi hình trước, không vũ đạo nhưng hai cô gái vẫn thản nhiên hát nhép. Không ít người đã gọi hai nữ thần tượng là “búp bê hát nhép”, “bình hoa di động”.

Jang Won Young (trái) và Leeseo hát nhép trên sân khấu cuối năm. Ảnh: MBC.

Một ví dụ khác là BlackPink trong hai đêm diễn tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) vào cuối tháng 7. Tại concert, 4 cô gái nhà YG Entertainment cũng chọn cách hát đè trên sân khấu. Đôi lúc, họ bỏ luôn cả mic để thực hiện vũ đạo nhưng lại không bị chỉ trích quá nhiều.

BlackPink tập trung vào trình diễn với vũ đạo khó nên chọn cách hát đè. Ảnh: YG Entertainment

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bị chỉ trích khi hát nhép cũng phân biệt, ưu ái người này hơn người kia. Với vị thế người nổi tiếng, khán giả không nên quá dễ dãi, ưu ái để các nghệ sĩ còn cố gắng ngày càng trau dồi, phát triển bản thân hơn nữa.

Đến sự khác biệt giữa ca sĩ và nghệ sĩ thần tượng

Với một ca sĩ, bạn có thể lắng nghe vẻ đẹp trong giọng hát của họ. Với một nghệ sĩ giải trí, bạn có thể xem họ biểu diễn. Chính bởi điều này, có không ít cuộc tranh cãi đã nổ ra khi so sánh màn biểu diễn của ca sĩ và nghệ sĩ giải trí.

Khi từng nhận xét về Chi Pu, Thu Minh dành lời khen lẫn chê cho cô nàng nhưng tuyệt đối không đồng ý với giọng hát: "Thẳng thắn mà nói khi xem clip Chi Pu, tôi rất thích cô gái này, đặc biệt là nụ cười sáng sân khấu. Nhưng với giọng hát này, tôi xin lỗi chưa thể gọi em là ca sĩ theo quan điểm của thế hệ tôi".

Dù rất thành công, đặc biệt là sau chương trình Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng tại Trung Quốc, nhiều người vẫn không công nhận khả năng ca hát của Chi Pu. Ảnh: FBNV

Không như ở Việt Nam, ngành âm nhạc Hàn Quốc có sự phân chia thành phần rõ ràng, bao gồm idol, ca sĩ và nghệ sĩ. Mỗi danh xưng có khái niệm và tiêu chuẩn đánh giá khác nhau. Mặc dù đều cầm mic biểu diễn trên sân khấu âm nhạc, tên gọi khác nhau cho thấy đẳng cấp khác nhau.

Ngày nay, idol Kpop vươn tầm quốc tế, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng có tác động toàn cầu như BlackPink, BTS. Thậm chí các giải thưởng âm nhạc lớn như VMAs hay EMAs có thêm hạng mục giải thưởng Best Kpop. Tuy nhiên, trong ngành âm nhạc Hàn Quốc, idol có vị thế thấp nhất.

BTS đã đưa ngành công nghiệp idol vươn tầm quốc tế. Ảnh: Twitter

Stray Kids đã giành được giải Best Kpop tại lễ trao giải VMAs vừa qua. Ảnh: Twitter

Một ý kiến trên Reddit cho rằng: Ca sĩ sẽ tập trung vào âm nhạc của họ như nguồn tương tác chính với người hâm mộ. Thần tượng phụ thuộc vào việc khiến người hâm mộ yêu mến họ với tư cách hình mẫu. Đó là lý do họ tổ chức các cuộc gọi với fan, sự kiện bắt tay, thử thách nhảy TikTok… Quá trình quảng bá nhằm mục đích khiến người hâm mộ say mê hình tượng xây dựng cho thần tượng, chứ không phải tài năng ca hát của họ.”

Tại Hàn Quốc, "ca sĩ" dùng để chỉ những người có hoạt động solo, sở hữu chất giọng và kỹ năng thanh nhạc ấn tượng, ca sĩ cũng không được yêu cầu phải biết sáng tác. Hầu hết idol sau thời gian hoạt động nhóm có xu hướng phát triển theo solo và phấn đấu trở thành ca sĩ. Thực tế chứng minh, không phải ai cũng làm được điều đó.

Taeyeon (SNSD) và Hyorin (SISTAR) là hai trong số những idol "lột xác" thành công. Trong khi đó, HyunA (4Minute) hay Jeon Somi (I.O.I) phát triển sự nghiệp solo nhiều năm vẫn chỉ là idol do giọng hát không thực sự nổi bật.

Taeyeon (SNSD). Ảnh: Twitter

Hyorin (SISTAR). Ảnh: Mnet

Hyuna. Ảnh: Mnet

Jeon Somi. Ảnh: MBC

Những idol được công nhận là nghệ sĩ còn có G-Dragon (Big Bang), Junsu (JYJ), Taeyang (Big Bang), BoA... Họ không lộ diện thường xuyên trước công chúng, lâu lâu tung sản phẩm âm nhạc mới hoặc không. Thế nhưng, chỗ đứng của họ trong ngành âm nhạc Hàn Quốc luôn vững chắc.

G-Dragon (Big Bang). Ảnh: Twitter

BoA. Ảnh: Twitter

Một trong những nghệ sĩ thành công nhất của âm nhạc Hàn Quốc là IU. Cô sở hữu lượng fan đông đảo không kém các idol hàng đầu nhưng không bị gò bó trong các tiêu chuẩn khắt khe dành cho idol. Có lẽ nhờ biệt danh "em gái quốc dân", những lần IU mắc lỗi đều được khán giả bỏ qua.

IU là một trong những nghệ sĩ thành công nhất trong ngành âm nhạc Hàn Quốc. Ảnh: Twitter

Cần đặt danh xưng về đúng vị trí

Sự phân chia tên gọi không phải dư thừa. Mỗi danh xưng có chức năng, vai trò và đối tượng khán giả riêng. Từ đó, tiêu chuẩn đánh giá của công chúng và truyền thông dành cho họ cũng khác biệt.

Không phải thần tượng nào cũng có giọng hát tốt, cũng như không phải ca sĩ nào cũng có thể chinh phục được một vị trí trong lòng đại đa số khán giả. Giọng hát hay là điều kiện cần, nhưng cảm xúc mà sản phẩm âm nhạc mang đến cho công chúng mới là điều kiện đủ để thành công.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật