Đóng

Cả nước ghi nhận 248 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 20/34 tỉnh thành

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết hiện cả nước ghi nhận 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh thành chưa qua 21 ngày.

Báo VnExpress dẫn thông tin, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết hiện cả nước ghi nhận 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh thành chưa qua 21 ngày gồm: Bắc Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Lâm Đồng, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sơn La và Tuyên Quang. Số lợn mắc bệnh là 19.700, số chết và tiêu hủy 20.280.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 514 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 28/34 tỉnh thành (5 tỉnh thành chưa ghi nhận là TP.HCM, Huế, An Giang, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng). Tổng số lợn mắc bệnh hơn 29.600, số lợn chết và tiêu hủy hơn 30.460 con. So sánh với cùng kỳ năm 2024 dựa trên số liệu của 31 tỉnh thành thì số ổ dịch giảm hơn 41%, số lợn chết và tiêu hủy giảm hơn 60%.

Tỉnh ghi nhận dịch tả lợn châu Phi nghiêm trọng nhất là Lạng Sơn với 149 ổ dịch, hiện còn 118 ổ chưa qua 21 ngày với hơn 5.600 con mắc bệnh và tiêu hủy. Tiếp theo là Cao Bằng với 64 ổ dịch, hiện còn 43 ổ chưa qua 21 ngày với hơn 7.700 con mắc bệnh và tiêu hủy.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết hiện cả nước ghi nhận 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh thành chưa qua 21 ngày. Ảnh minh họa 

Ông Phan Quang Minh, Cục phó Chăn nuôi và Thú y, đánh giá bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu tái phát ổ dịch cũ, quy mô nhỏ bình quân 50-60 con. Nguyên nhân là virus có sức đề kháng cao, xuất hiện chủng mới khó tiêu diệt và tồn tại lâu ngoài môi trường. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ lớn nên không đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học.

"Một số địa phương phát hiện ổ dịch không kịp thời, giấu dịch, vào cuộc khi dịch đã lan rộng. Giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều, địa phương còn thiếu kiểm soát chặt chẽ", VnExpress dẫn lời Cục phó Chăn nuôi và Thú y nhận định. Giải pháp xử lý hiệu quả là tiêm vaccine, nhưng hiện mới sử dụng cho lợn thịt, chưa được người chăn nuôi dùng phổ biến nên chưa đủ mức độ miễn dịch quần thể.

Cục Chăn nuôi và Thú ý cũng cho biết hành vi giấu dịch được thực hiện dưới nhiều hình thức như bán lợn bệnh, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, báo cáo sai sự thật hoặc không báo cáo, vứt xác lợn ra môi trường. "Điều này khiến virus dịch tả lợn châu Phi vốn có sức đề kháng cao và tồn tại lâu trong môi trường có điều kiện lan rộng", ông Minh nói.

Đại diện Cục Chăn nuôi và Thú ý cũng cho rằng việc tiêu hủy lợn bệnh hiện tồn tại nhiều bất cập. Theo quy định chỉ những con đã chết, có triệu chứng rõ ràng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính mới được tiêu hủy. Điều này khiến quá trình xử lý kéo dài vài ngày, trong thời gian đó không ít hộ đã lặng lẽ bán chạy lợn ốm hoặc vứt xác ra môi trường.

Việc tiêm vaccine chưa được phổ biến dẫn tới chưa đủ miễn dịch quần thể. Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, báo điện tử Nhân dân dẫn lời Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và địa phương tăng cường quản lý chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ và tăng cường kiểm dịch động vật tại các chốt kiểm dịch, cửa khẩu, bến cảng; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt là lợn bệnh.

Thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là sử dụng vaccine phòng bệnh và các chế tài xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như chi cục tỉnh/thành phố, chi cục vùng xuống các địa phương giám sát, cảnh báo và xử lý các vi phạm liên quan đến dịch bệnh.

Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng để quản lý, kiểm soát tình hình. Với hành động quyết liệt, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tình hình dịch sẽ hạn chế hơn, giảm tối đa hơn nữa.

Tin nổi bật