Vào ngày 11/9/2001, nhiếp ảnh gia Thomas E. Franklin đang làm việc cho tờ báo The Record ở phía Bắc New Jersey (Mỹ). Trong khi đang chuẩn bị cho một cuộc họp tại văn phòng ở Hackensack, một đồng nghiệp đã nói với ông về chiếc máy bay đầu tiên bị chiếm quyền kiểm soát trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu.
Kể lại với Politico về ngày lịch sử này, ông Franklin chia sẻ: “Tôi đã lao ngay ra cửa sổ. Tôi có thể trông thấy rõ từ Jersey. Tôi trông thấy một lỗ hổng lớn trên toà tháp. Tôi nhanh chóng lên đường đi về phía thành phố nhưng mọi cây cầu và đường hầm đã bị đóng cửa”.
Từng chụp ảnh toà tháp đôi từ New Jersey trước đây, vị nhiếp ảnh gia đã nhanh chóng đi đến khu vực bờ sông ở thành phố Jersey.
Các con thuyền đang di chuyển qua lại từ New Jersey đến Manhattan và Franklin đã chụp thử những bức ảnh ở khu vực này. Sau đó, anh quay trở lại văn phòng để tải ảnh và quay lại thành phố Jersey sau khi các nhiếp ảnh gia bị yêu cầu rời đi.
Ông chia sẻ: “Vì tôi đã rời đi rồi nên tôi có thể dễ dàng hoà nhập vào đám đông. Tôi trông thấy một người bạn là nhiếp ảnh gia khác, anh John Wheeler, anh ấy nói với tôi rằng anh ấy quen người đứng đầu sở cảnh sát Jersey và sẽ liên lạc nhờ ông ấy đưa chúng tôi lên thuyền”.
Nhiếp ảnh gia Thomas E. Franklin là người chụp bức ảnh hy vọng trong ngày 11/9/2001, sau cuộc tấn công khủng bố khiến cả thế giới kinh hoàng tại Mỹ. Ảnh: Politico
Sau đó, sĩ quan cảnh sát đã giúp 2 nhiếp ảnh gia lên một con tàu kéo. Ông Franklin kể lại: “Tôi chưa bao giờ biết được tên người sĩ quan ấy nhưng đó là một thời khắc quan trọng. Tôi có quyền tiếp cận mà tôi. Phần lớn thời gian trong ngày tôi cảm thấy thật mờ mịt, nhưng khi ở trên con tàu khi ấy, tôi nhớ rằng tôi đã phải tự nhắc nhở mình tập trung và chuẩn bị tinh thần cho những gì mình sắp chứng kiến”.
Vào buổi chiều muộn, sau một ngày ghi hình cảnh tượng thảm khốc, Franklin cho biết việc tìm kiếm và giải cứu đã được tạm dừng. Ông cho biết: “Họ dự đoán toà tháp 7 sẽ sụp đổ. Lực lượng cứu hoả và cứu hộ đang tụ tập ở trung tâm phản ứng nhanh. Lúc ấy tôi nghĩ rằng tôi nên quay trở về và đó là khi tôi trông thấy 3 người lính cứu hoả đang dò dẫm cùng một lá cờ trên tay. Tôi đã chụp lại hình ảnh ấy từ xa và đó là những gì xảy ra vào thời khắc ấy”.
Khi chụp lại bức ảnh trên, ông Franklin không biết rằng mình vừa bắt được khoảnh khắc trị giá hàng triệu USD.
Ông tâm sự: “Tôi đã phát biểu tại một buổi lễ tưởng niệm ngyaf 11/9 ở hạt Bergen và đó là cách tôi bắt đầu câu chuyện của mình. Ban đầu, bức ảnh đó không quá đặc biệt với tôi. Ba người đàn ông giương cao một lá cờ sau khi hàng nghìn người chết và hai tòa nhà sụp đổ. Tôi thậm chí không thể nói đây là bức ảnh đẹp nhất mà tôi từng chụp. Nhưng đó là bức ảnh mang nhiều ý nghĩa nhất”.
Sau khi bức ảnh của anh ấy được sử dụng cho The Record và được đưa lên trang nhất Associated Press ngay sau nửa đêm, bức ảnh “đã tự có một cuộc sống riêng”.
Ông nói: “Bức ảnh đã thu hút sự chú ý chưa từng có. Nhưng tôi không quên được thực tế rằng hàng nghìn người vô tội đã chết. Đó là một cảnh tàn bạo và mọi người đã ra đi theo cách kinh hoàng nhất ”.
Ông tâm sự thêm: “Đối với các nhà báo đã làm việc vào ngày hôm đó, tôi nghĩ đó là một. khoảng thời gian khó khăn. Nhưng tất cả các ngày kỷ niệm đều quan trọng như nhau, và mọi người cần nhớ những gì đã xảy ra vào ngày 11/9. Tôi không muốn chúng ta quên đi việc ấy”.
Minh Hạnh (Theo Politico)