Ngày 15/2, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2 với một số điều chỉnh so với dự thảo quy chế tuyển sinh được công bố trước đó.
Theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ hẳn xét tuyển sớm và chỉ xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, VOV thông tin.
Năm 2025, các đại học không còn được xét tuyển sớm, cộng ưu tiên không quá 10% tổng điểm xét tuyển. Ảnh minh họa
Những năm trước, các cơ sở giáo dục thực hiện các đợt tuyển sinh xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy... thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, các trường vẫn có thể dùng các phương thức này để xét tuyển, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, điểm ưu tiên theo quy định riêng của trường không vượt quá 10% mức tối đa của tổng điểm xét tuyển. Điểm ưu tiên khu vực, đối tượng vẫn thực hiện theo quy định cũ (tối đa 2,75 điểm). Sau khi cộng, điểm của thí sinh không vượt quá mức tối đa (ví dụ không được vượt quá 30 điểm nếu điểm xét theo thang 30). Trước đây, điểm khuyến khích của các trường không bị giới hạn.
Bên cạnh đó, quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành/chương trình đào tạo chỉ tối đa có 4 tổ hợp xét tuyển.
Trước đó, dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2025 yêu cầu các cơ sở giáo dục nếu sử dụng nhiều tổ hợp, các trường phải đảm bảo có môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển. Theo bà Thủy, yêu cầu này sẽ chỉ bắt đầu áp dụng từ năm 2026, chưa áp dụng trong đợt tuyển sinh năm nay.
Những điểm được Bộ giữ nguyên như dự thảo, là các trường đại học phải dùng kết quả cả năm lớp 12 nếu xét học bạ, thay vì dùng điểm 3-5 học kỳ như những năm trước; phải quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang chung.
Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển đại học.
Hiện nhiều trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh đại học năm 2025. Trong đó, hình thức xét tuyển sớm không được đề cập đến. Thay vào đó, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển của các phương thức xét tuyển khác nhau cùng một thời điểm với kế hoạch công bố chung của Bộ GD&ĐT.
Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.
Khi Bộ GD&ĐT ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề xét tuyển sớm. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đại biểu Nhân dân
Xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.
Liên quan đến thay đổi trong việc điểm xét tuyển, trúng tuyển của thí sinh phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức, các tổ hợp xét tuyển và các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết điều này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển.
"Cuối cùng, chúng ta phải lựa chọn thí sinh trúng tuyển dựa vào năng lực, phẩm chất, kỹ năng của các em. Những bạn giỏi hơn sẽ trúng tuyển trước, không phụ thuộc vào chỉ tiêu của một phương thức cụ thể nào", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Việc các trường đại học xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như trước đây cũng là thay đổi rất quan trọng, để các em không lơ là học tập ở năm lớp 12, nhất là học kỳ hai. Thí sinh vẫn phải hoàn thành thật tốt việc học để có điểm tổng kết tốt trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đánh giá thay đổi này sẽ góp phần tích cực, ảnh hưởng trở lại tới việc học tập ở bậc THPT của học sinh.