Theo RT, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius mới đây cho biết, việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không Taurus cho Ukraine sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường.
Bình luận của ông được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD hôm 17/11, giữa lúc một số quan chức EU lo ngại rằng việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 có thể khiến viện trợ quân sự cho Ukraine bị ngừng lại.
“Có những tranh luận về tên lửa hành trình Taurus liên quan tới an ninh quốc gia và các chiến lược của NATO. Chúng ta không nên thảo luận về chúng một cách công khai”, Bộ trưởng Pistorius nói khi được hỏi liệu Berlin có nên xem xét lại quyết định không cung cấp cho Ukraine các tên lửa có tầm bắn 500 km hay không.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh: “Tên lửa Taurus sẽ không phải là vũ khí thay đổi cuộc chơi. Nhiệm vụ của chúng tôi khác. Hiện giờ, chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine tiếp tục nhận được nguồn hỗ trợ bền vững”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: Reuters
Trước đó, vào tháng 9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng việc cung cấp các tên lửa hành trình cho Ukraine đồng nghĩa với việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. “Chỉ có thể cung cấp những vũ khí này nếu chúng ta tự xác định và định nghĩa được các mục tiêu. Việc đó một lần nữa không có khả năng nếu bạn không muốn trở thành một phần của cuộc xung đột này”, ông nói.
Ngày 15/11, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên sau gần 2 năm. Ông Scholz nói rằng đã tái khẳng định quyết tâm của Berlin trong việc ủng hộ Kiev.
Hiện tại, nhà lãnh đạo Đức đang phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và cuộc bầu cử sớm vào đầu năm 2025, sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ vì bất đồng về ngân sách. Berlin đã chuyển hàng tỷ euro từ chi tiêu trong nước cho Ukraine trong những năm gần đây.
Tên lửa hành trình Taurus của Đức. Ảnh: Defence
Cuộc phỏng vấn của Bộ trưởng Pistorius diễn ra trùng với thời điểm nhiều hãng tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách trước đây, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Putin từng nói rằng, việc mở rộng các cuộc tập kích sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây sẽ "thay đổi bản chất của cuộc xung đột", đồng thời báo hiệu sự tham gia trực tiếp của NATO vào các cuộc tấn công chống lại Nga.