Hôm nay, Quốc hội bước vào ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của phiên chất vấn diễn ra trong 3 ngày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Từ 15h50 đến 16h35: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Từ 16h35 đến 17h00: Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
(Đang cập nhật)...
Quốc hội làm việc tại hội trường. |
Trồng cây gì, nuôi con gì, sử dụng chất kích thích gì?
10h38: Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời về vấn đề sản xuất nông nghiệp làm sao góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng khẳng định, an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp phối hợp các địa phương, các thành phần kinh tế trong cả nước để giải quyết tình trạng này. Đến nay, đã có rất nhiều kết quả đáng ghi nhận, ví dụ như việc xuất khẩu nhiều nông sản sạch ra nước ngoài, mẫu mã hàng hóa vào siêu thị chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, vẫn cần nỗ lực cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.
Để giảm ô nhiễm môi trường, cần kiểm soát tốt sản xuất nông nghiệp từ khâu phân bón, rác… Ngành Nông nghiệp đã yêu cầu địa phương quán triệt việc chọn giống gì, ở đâu, mùa nào để không làm trái mùa, phải sử dụng thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường… Tổ chức tốt việc áp dụng đồng bộ các biện pháp để giảm ô nhiễm môi trường.
Khuyến khích người dân phát hiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm
10h19: Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời ý kiến đại biểu Bích Hạnh (Bình Dương) về quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn về vi phạm pháp luật bảo hiểm tới nay vẫn chưa thực hiện được.
Những việc Tòa án đã làm, chúng tôi đã tổ chức hai cuộc họp để bàn về vấn đề này. Tham dự cuộc họp này có Tổng liên đoàn lao động, Tổng công ty bảo hiểm, các cơ quan Quốc hội, Ủy ban dân nguyện…
Tiếp nữa, chúng tôi phối hợp với tổng công ty bảo hiểm tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề này.
Chúng tôi cũng đã tập huấn toàn ngành về việc triển khai chủ trương mới của ngành liên quan đến bảo hiểm, đang phối hợp với bảo hiểm Việt Nam hướng dẫn cho bảo hiểm xử lý các vấn đề liên quan…
Về nội dung, bắt đầu từ 1/1/2018, hai hành vi gian lận bảo hiểm và trốn đọng bảo hiểm đã được quy định tại các Điều 214, 216 trong Bộ luật Hình sự. Với việc quy định hiện hành thì tòa án không được xử các hành vi này theo trình tự dân sự. Với việc quy định như vậy, thì quyền của người lao động được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Các tổ chức công đoàn và kể cả người lao động nếu phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm gian lận, trốn đóng bảo hiểm thì hoàn toàn có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát để khởi tố điều tra, xem xét khởi kiện…
Chúng tôi rất khuyến khích người dân phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm gian lận, trốn bảo hiểm thì hoàn toàn có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan điều tra…
Cam kết không có tiêu cực trong kiểm toán
10h10: Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trả lời ĐBQH Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc ít chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra.
Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2017 đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, chuyển 12 bộ hồ sơ cho các cơ quan quản lý để xử lý theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước không có chức năng điều tra.
Ông cũng đưa ra rất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cán bộ ngành kiểm toán cũng như chất lượng các vụ việc kiểm toán. "Chúng tôi cam kết, nếu có 1 thông tin về vấn đề tiêu cực của kiểm toán viên thì sẽ tổ chức xử lý và công khai", ông Phớc nói.
Giải pháp căn cơ chống gian lận thi cử
9h14: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời ĐBQH Trần Thị Thu Phương về những giải pháp căn cơ để tình trạng vi phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPQG không xảy ra nữa.
Chúng tôi đã rà soát quy trình của kỳ thi, thống nhất có ba nhóm giải pháp căn cơ.
Thứ nhất, phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng câu hỏi. Theo đó, xây dựng bài thi chuẩn hóa theo hướng bám sát vào đánh giá năng lực của học sinh THPTQG và có phân hóa nhất định làm căn cứ cho các trường cao đẳng, đại học theo đúng tinh thần nghị quyết TW 29.
Thứ hai, cập nhật phần mềm công nghệ quản lý kỳ thi, chấm thi để không tạo lỗ hổng để người khác lợi dụng được.
Thứ ba, là siết chặt quy trình chấm thi, phải công khai minh bạch theo đúng tính thần trung thực khách quan. Tạo sự công bằng cho thí sinh.
Bộ trưởng thừa nhận có lãng phí trong vấn đề SGK
8h21: Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của ĐBQH về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK và đại biểu Châu Quỳnh Giao về vấn đề nhân viên bảo vệ, tạp vụ, vệ sinh trật tự của trường học cấm không cho xã hội hóa có nghịch lý hay không? Giải quyết thế nào?
Trả lời câu hỏi của ĐBQH về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, bộ GD&ĐT đã có báo cáo tổng thể gửi các đại biểu Quốc hội. Với thực trạng sử dụng SGK vừa qua, thể hiện sự lãng phí là có thật, nguyên nhân có nhiều song trước hết do chất lượng sách giáo khoa hiện hành còn có nhiều dạng bài tập khiến các học sinh viết, vẽ trực tiếp vào SGK, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần.
Trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì chưa phù hợp, gây ra sự lãng phí. Với trách nhiệm của mình, bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí trong một số SGK, có hướng dẫn cho các thầy cô và học sinh không ghi vào SGK. Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên, học sinh về việc sử dụng SGK để dùng được lâu. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này còn hạn chế. Tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Trước phản ánh của các ĐBQH và báo chí gần đây, bộ GD&ĐT đã tiếp thu và chỉ đạo các cơ sở đào tạo, tiếp tục hướng dẫn học sinh sử dụng SGK. Tới đây, khi biên soạn SGK mới, chúng tôi yêu cầu thiết kế các loại bài tập cho SGK theo hướng hạn chế viết chữ vào SGK. Bộ GD&ĐT cũng đã phát động các trường trong phong trào sử dụng SGK bằng biện pháp quyên góp, xây dựng thư viện SGK để cho các sinh viên có thể sử dụng miễn phí, và hỗ trợ vùng sâu, vùng xa.
Cơ sở pháp lý nào để khuyến khích không dùng tiền mặt?
8h10: Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) về giải pháp tiếp tục thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, để khuyến khích không dùng tiền mặt, vừa qua chúng tôi đã ban hành 10 thông tư để chỉ đạo việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Ban hành quy định về thẻ chíp nội địa.
Ngành ngân hàng cũng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng. Đến cuối tháng 8/2018, số máy POS đã tăng hơn 23% so với cuối năm 2016; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được thông suốt và an toàn, tính đến cuối tháng 8 tăng 30%.
Các giao dịch theo phương thức không dùng tiền mặt cũng tăng mạnh. Đến cuối tháng 8/2018, giao dịch qua thẻ tăng 49% về số lượng. Thanh toán không dùng tiền mặt qua dịch vụ công cũng không ngừng tăng. Tính đến cuối tháng 8/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối với kho bạc các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, việc tăng cường truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng.
Về chất vấn của ĐBQH Phạm Đình Cúc liên quan việc duy trì trần lãi suất mang tính phi thị trường, Thống đốc NHNN cho biết, từ năm 2011, khi thị trường diễn biến không thuận lợi, ảnh hưởng đến an toàn vĩ mô, NHNN đã áp trần lãi suất tiền gửi VND cho các kỳ hạn. Thời gian qua, NHNN chỉ còn áp dụng trần lãi suất tiền gửi VND đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Ông Lê Minh Hưng nói: “Việc áp dụng này có cơ sở thực tiễn. Cấu trúc thị trường tài chính và cơ chế thị trường chưa được hoàn hảo. Ngân hàng là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế. Việc sử dụng liều lượng biện pháp hành chính và thời điểm áp dụng vẫn cần thiết để bảo đảm an toàn thị trường tiền tệ”.
Xử lý nghiêm những đối tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần
8h05: Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời đại biểu về giải pháp của ngành Y tế trong việc làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần.
Vừa qua, trên báo chí và thực tế có phát hiện 2 nhân viên bệnh viện tâm thần Trung ương phối hợp với đối tượng làm hồ sơ bệnh án giả tâm thần.
Chúng tôi đã triệu tập tất cả các bệnh viện tâm thần lại, chấn chỉnh. Cùng với đó, tất cả các chứng nhận tâm thần đều được chẩn đoán và rà soát chuyên môn hàng năm.
Nhưng, hệ thống tâm thần có hai loại tâm thần khác nhau:
Một là các bệnh viện tâm thần như tâm thần TW 1, 2 sẽ khám và cấp chứng nhận tâm thần cho mọi người dân có dấu hiệu tâm thần…
Hai là liên quan đến hệ thống giám định pháp y tâm thần. Những đối tượng này đã qua cơ quan điều tra và cần được qua viện giám định pháp y tâm thần để xác định có tâm thần hay không. Đối tượng này muốn chứng nhận bệnh tâm thần và làm giả hồ sơ, tâm thần thì phải qua viện pháp y tâm thần TW thì mới xác định được có bị tâm thần hay không.
Vì vậy, bộ Y tế phối hợp với bộ Công an xử lý nghiêm những đối tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.
8h02: Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương về giải pháp xử lý, ngăn chặn thông tin bôi nhọ trên mạng internet.
Bộ Công an đã phối hợp bộ TT&TT xử lý một số vụ việc, đối tượng nhưng vẫn chưa triệt để vì còn một số khó khăn. Bởi, tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí vi phạm đó không chỉ trong nước mà còn có tính xuyên quốc gia của internet. Một số quy định của luật về xử lý vấn đề này còn chưa hoàn thiện, ví dụ như vấn đề giám định với các thông tin vu khống, xuyên tạc…
Về giải pháp, Bộ trưởng nói tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong đấu tranh xử lý với hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Luật An ninh mạng đã được thông qua, Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng các văn bản thi hành một các minh bạch, trong đó có quy định các biện pháp để xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Tiếp tục phối hợp các bộ, ban ngành trong triển khai tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, phối hợp bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông ngăn chặn truy cập từ trong nước với khoảng gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu,xử lý các vi phạm pháp luật trong đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện các yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ về các đối tượng hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng để có các hình thức đấu tranh xử lý kịp thời.
Thu - Bích - Hường
Theo Người Đưa Tin