Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sáng nay 11/11 bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại Quốc hội kể từ khi được phê chuẩn giữ cương vị này hồi tháng 4/2021.
Tại phiên họp, đại biểu Nàng Xô Vi (đoàn Đại biểu Kon Tum) đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng đã chỉ đạo không soạn văn mẫu trong giảng dạy môn Ngữ văn. Điều này rất quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy và học.
"Sắp tới, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo như thế nào để thúc đẩy chất lượng?", đại biểu Vi nêu câu hỏi.
Trả lời chất vấn từ đại biểu Nàng Xô Vi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong khi đó, định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người.
Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, tất cả thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt. Trong các cuộc họp, chỉ đạo trước, Bộ trưởng đã nêu cần phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt là việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Quốc hội)
"Cần chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu. Vì dạy theo văn mẫu, đặc biệt là giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh học thuộc rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai.
Việc chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm.
Tại phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng sẽ làm rõ các vấn đề: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19; công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh; việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học.
Việt Hương (T/h)