Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Không thể nay nhập, mai tách" các bộ

(DS&PL) -

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí về ý kiến đề xuất sáp nhập bộ Kế hoạch và Đầu tư với bộ Tài chính.

Bên hành lang QH sáng 2/11, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí về ý kiến đề xuất sáp nhập bộ Kế hoạch và Đầu tư với bộ Tài chính.

Trước câu hỏi, mô hình như bộ Kế hoạch và Đầu tư như ở Việt Nam có nhiều nước làm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Có một số nước. Có thể tên gọi khác nhau nhưng chức năng, nhiệm vụ giống nhau. Nước nào cũng cần tham mưu về hoạch định, nghiên cứu chính sách, đường lối, chiến lược, quy hoạch phát triển”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Việc nhập hay không phải có nghiên cứu cụ thể". Ảnh: T.P.

Về ý kiến về đề xuất sáp nhập Bộ, ngành, trong đó đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm: “Việc này phải nghiên cứu, đảm bảo để nhập hay không nhập phải có cơ sở, có phương pháp luận. Không thể nay nhập, mai tách, xong lại nhập”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích: “Chức năng nhiệm vụ của bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và Đầu tư khác nhau. Nước nào cũng vậy. Hơn nữa, nước họ nền kinh tế khác, chúng ta khác. Chúng ta là từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường”.

Một số ý kiến cho rằng hai bộ có những nội dung công việc trùng lắp như cấp phát ngân sách. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm về phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bộ Tài chính phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên. Hai mảng khác nhau. Việc nhập hay không phải có nghiên cứu cụ thể. Hiện nay hai Bộ không có gì chồng chéo công việc. Việc nói chồng chéo nhiệm vụ, theo tôi là nắm thông tin không rõ ràng”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1-11, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ: Qua thời gian đi giám sát ở các tỉnh cùng đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, ông nhận thấy đề xuất hợp nhất bộ ngành tương đồng, và sáp nhập một số tỉnh để giảm 3-4 bộ và hàng chục tỉnh là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể: Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia, hoàn toàn có thể sáp nhập làm một gọi là Bộ Kế hoạch - Tài chính hoặc thậm chí thu hút thêm một số chức năng của các bộ khác gọi là Bộ Kinh tế tổng hợp. Hay Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn có thể sáp nhập với Bộ Xây dựng và gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.

Đỗ Thơm

Tin nổi bật