Ngày 30/6, Bộ Tài chính cho biết vừa báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm thuế để hạ giá xăng dầu. Ảnh minh họa: TTXVN
Bộ này cho biết, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022, giải pháp này nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Mức giảm cụ thể chưa được Bộ nêu rõ, nhưng đây là tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý đã có những động thái mạnh hơn để kìm giá xăng dầu trong nước, hạn chế tác động của lạm phát với người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với nhóm sản phẩm gồm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng từ mức 20% xuống mức 12%.
Hiện nay, trong giá bán mỗi lít xăng có khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế (gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, GTGT và BVMT), tương ứng khoảng 30%. Trong đó, thuế BVMT hiện đã được giảm 50%, tức 1.900-2.000 đồng một lít với xăng từ 1/4 đến hết năm 2022. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng dầu được áp từ 8% đối với xăng E5 Ron 92 và 10% đối với xăng Ron 95, thuế VAT áp mức 10% đối với xăng dầu các loại.
Liên quan đến việc hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, ngoài đề xuất giảm thuế, đại diện bộ Công Thương cho rằng, vấn đề nguồn cung hiện nay là nhiệm vụ rất lớn và Bộ này có trách nhiệm trong mọi tình huống phải phục vụ đủ nguồn cung sản xuất kinh doanh và người dân.
Bộ sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước nhưng cần có cam kết rõ ràng. Nếu doanh nghiệp trong nước không rõ ràng thì bắt buộc phải nhập để đảm bảo nguồn cung, bởi đây là vấn đề quan trọng hơn cả.
Bên cạnh đó, bộ Công Thương sẽ chủ động điều hành để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho quý III và cuối năm 2022.
Bạch Hiền (t/h)