Theo báo Đầu tư, Bộ Tài chính đã đề nghị bỏ kiến nghị về trợ cấp 1.000 USD khi mua xe điện, đồng thời bác nhiều kiến nghị hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc cho xe điện.
Bộ Tài chính đề nghị bỏ đề xuất trợ cấp 1.000 USD khi mua ô tô điện.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc thực hiện chính sách này sẽ tạo nên các áp lực tăng chi tiêu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, dù chính sách trợ giá, hỗ trợ tài chính đã được áp dụng ở một số quốc gia, nhưng việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là không phù hợp với bối cảnh, điều kiện của nước ta và dễ gây phản ứng trái chiều từ dư luận vì hiện nay người sử dụng xe ô tô nói chung, xe ô tô điện nói riêng là những người có thu nhập cao trong xã hội, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.
Mặt khác, pháp luật về ngân sách nhà nước cũng không có quy định làm căn cứ pháp lý cho việc thực hiện chính sách này.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, một số nội dung đề xuất cụ thể về thuế tại điểm 4 mục III dự thảo Báo cáo của Bộ GTVT không phù hợp các cam kết quốc tế và đặc điểm, bối cảnh của nước ta (bao gồm đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước; miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT); trợ cấp cho người dân; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dự án trạm sạc điện.
Cụ thể, về kiến nghị “tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế TTĐB cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước", Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ kiến nghị này ra khỏi dự thảo Báo cáo.
Nguyên do, pháp luật về thuế TTĐB đã có các quy định ưu đãi về thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin ở mức cao. Cụ thể, từ 01/3/2022 đến 28/02/2027, thuế suất thuế TTĐB đối với xe điện chạy pin tùy theo số chỗ ngồi chỉ là 1%, 2%, 3% và từ 01/3/2027 trở đi là 4%, 7%, 11%, trong khi mức đó mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe sử dụng xăng, nhiên liệu hóa thạch là từ 15%-150%. Quy định này được áp dụng thống nhất đối với cả xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước, đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO.
Việc kiến nghị tiếp tục áp dụng thuế suất thuế TTĐB ở mức 3% đối với xe ô tô điện (loại chở người 9 chỗ trở xuống) sản xuất lắp ráp trong nước sau thời điểm 28/2/2027 là không phù hợp với quy định của Luật thuế TTĐB hiện hành và vi phạm Quy tắc đối xử quốc gia tại khoản 1 và khoản 5 Điều III của GATT/WTO, đồng thời, vi phạm Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng WTO/SCM.
Ngoài ra, tại đề nghị xây dựng Luật thuế TTĐB đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2023, Chính phủ cũng không đề nghị giải pháp này.
Về kiến nghị “Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo”, theo Bộ Tài chính là không phù hợp, do pháp luật về thuế GTGT quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%, không có quy định miễn, giảm thuế GTGT, đồng thời, thuế GTGT là thuế gián thu, thu theo hàng hóa, dịch vụ, không có quy định ưu đãi theo đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ cũng như tổ chức, đơn vị sản xuất.
Cũng tại đề nghị xây dựng Luật thuế GTGT đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 115/NQ-CP nêu trên, Chính phủ cũng không đề nghị giải pháp này. Với kiến nghị miễn lệ phí trước bạ trong 5 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo, Bộ Tài chính cho là không phù hợp.
Theo đó, tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022), đã quy định ưu đãi lệ phí trước bạ ở mức cao trong 5 năm đối với xe ô tô điện chạy pin từ năm 2022 đến năm 2027 (miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí trước bạ trong 2 năm tiếp theo). Đồng thời, tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP giao Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi mức thu LPTB đối với ô tô điện chạy pin trước 6 tháng khi kết thúc áp dụng. Theo đó, đề nghị tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Về kiến nghị miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị và miễn, giảm tiền thuế đất để phát triển hạ tầng trạm sạc, Bộ Tài chính cũng không thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT.
Lý giải vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, trường hợp, dự án lắp đặt trạm sạc thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư thì được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định của dự án lắp đặt trạm sạc và ưu đãi về tiền thuê đất, thuế đất theo quy định.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để làm rõ xem dự án xây dựng/lắp đặt trạm sạc có thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư hay không. Nếu chưa có thì đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét bổ sung vào Danh mục ngành nghề/địa bàn ưu đãi đầu tư để làm căn cứ áp dụng, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về thuế.
Tương tự vậy, kiến nghị miễn thuế TNDN trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo đối với dự án phát triển hạ tầng trạm sạc điện, Bộ Tài chính cũng cho biết, Luật thuế TNDN hiện hành không có quy định ưu đãi riêng cho dự án phát triển hạ tầng trạm sạc điện. Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn ưu đãi đầu tư thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định.
Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung kiến nghị về chính sách ưu đãi thuế TNDN ra khỏi Báo cáo. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền quy định bổ sung dự án phát triển hạ tầng trạm sạc điện thuộc lĩnh vực đặc biệt cần khuyến khích đầu tư thì dự án này sẽ được hưởng các ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật về thuế, đầu tư...
Trước đó, tháng 8/2023, Bộ GTVT đã có văn bản gửi tới 7 Bộ, Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và 5 công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để lấy ý kiến lần 2 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện.
7 Bộ gồm: Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ. 5 công ty lắp ráp ô tô gồm: VinFast, Toyota, Ford, Thaco và TC Motor.
Đáng chú ý nhất là ưu đãi cho người sử dụng xe điện. Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số cho người mua ô tô điện. Bên cạnh đó, cần có chế trợ giá, tiếp cận tín dụng cho người mua để chuyển hướng thói quen tiêu dùng sang xe điện.
Giải pháp khác được cơ quan quản lý đề xuất là trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua ô tô điện, khoảng 1.000 USD/xe.
Bộ GTVT nhấn mạnh, nếu Bộ không nhận được văn bản góp ý thì “coi như quý cơ quan thống nhất với dự thảo báo cáo”, theo báo Dân trí.
Vân Anh (T/h)