Chiều 29/10, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện bộ Tài chính được đề nghị thông tin về công tác chuẩn bị cũng như nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, theo đề xuất mà Chính phủ trình Quốc hội.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho biết ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương về cải cách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan phải bố chí nguồn lực tài chính, trong đó có cả tăng lương cơ sở, theo Dân trí.
Thứ trưởng bộ Tài chính trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10. Ảnh: VTC News.
Về giải pháp cho việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, ông Chi cho biết, chủ yếu đến từ tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi thường xuyên.
Cụ thể, từ khi triển khai các nhiệm vụ kể trên, đến hết năm 2021, nguồn lực ngân sách địa phương để phục vụ cải cách tiền lương đạt trên 290.000 tỷ đồng, còn Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào điều kiện thực tế về tài chính và ngân sách Nhà nước, căn cứ vào yêu cầu cấp thiết về việc tăng lương cơ sở, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng lương cơ sở ở mức 20,8% từ 1/7/2023.
Theo tính toán của bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh, bao gồm cả lương hưu, đối tượng do ngân sách đảm bảo, người có công, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở… sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho chính sách này khi Quốc hội phê duyệt.
"Như vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động về nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở khi được cấp có thẩm quyền thông qua", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Trước đó, trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ 1/7/2023.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều, chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.
Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp, theo Người lao động.
Linh Chi (T/h)