Theo Thương hiệu và Pháp luật, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nêu kiến nghị muốn giảm mức thuế xuất khẩu cho mặt hàng này xuống 0%, với lý do hàng năm sản lượng phân bón dư thừa khoảng vài triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác bỏ kiến nghị này.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị Bộ Tài chính giảm mức thuế xuất khẩu mặt hàng này xuống 0%. Ảnh minh họa.
Trong dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất - nhập khẩu ưu đãi, Hiệp hội phân bón Việt Nam đã đề xuất áp thuế xuất khẩu đối với phân bón ure và supe lân là 0% thay cho mức thuế 5% hiện hành. Lý giải nguyên nhân đưa ra kiến nghị nêu trên, theo hiệp hội, nguồn cung các mặt hàng này đang dư thừa hàng năm với số lượng lớn.
Theo số liệu thống kê cụ thể, hàng năm, lượng tiêu thụ phân bón của nước ta tương ứng 1,7 - 2 triệu tấn/ năm. Tuy nhiên, thực tế sản xuất của 4 nhà máy phân bón của Việt nam đang cao hơn 35% so với tổng cung trong nước. Vì thế, lượng phân bón sản xuất của nước ta đang bị dư thừa, muốn duy trì công suất bắt buộc phải đưa số tồn dư xuất khẩu đi các nước, nhưng, hiện tại thuế xuất cho mặt hàng này đang còn cao.
Được biết, hiện tại Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất phân bón là: Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình. Với tình trạng thuế xuất còn cao khiến mặt hàng này của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Mặt khác, sản lượng tồn nhiều khiến cho các doanh nghiệp khó phát triển quy mô sản xuất tăng lên.
Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế suất áp theo từng mã hàng thay vì quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng như hiện nay cũng góp phần làm giảm thủ tục hành chính cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm chi phí tài chính do việc phải thực hiện xác định tỷ lệ này trong giá thành sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế. Góp phần giữ ổn định gái phân bón trong nước cũng như đáp ứng nhu cầu phát sinh trong nông nghiệp trong cả nước.
Hoa Hồng (T/h)