Tháng 1, Trung Quốc và Hong Kong trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản, đây là thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Được biết, các mặt hàng chủ lực đều có sự bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, tăng 71%, cá tra đạt 165 triệu USD, tăng 97%, cá ngừ 79 triệu USD, tăng 57%, mực, bạch tuộc 63 triệu USD, tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản nước ta sau thời gian dài rơi vào tình cảnh ảm đạm.
Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...
Dù có tín hiệu tích cực ngay từ tháng đầu năm, VASEP cho biết đa số doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Một số vấn đề còn tồn tại như lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador.
Có một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Với ngành cá tra, theo đại diện VASEP, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 của các doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc, do vậy giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000-26.000 đồng/kg lên 28.000-29.000/kg đầu năm nay. Tuy nhiên, hiện khách hàng vẫn thận trọng với giá mua. Các doanh nghiệp cá tra cũng kỳ vọng xuất khẩu năm nay có thể đạt 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.
Cũng theo đại diện VASEP dự báo, với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD