Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Nội vụ: Năm học 2023 - 2024, các địa phương đề xuất hơn 1,1 triệu biên chế giáo viên

  • Bảo An
(DS&PL) -

Mới đây, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Nội vụ. Theo nội dung báo cáo, Bộ Nội vụ đã thống kê những nội dung trọng tâm liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức trong năm qua.

VTC News đưa tin, báo cáo của Bộ Nội vụ nêu rõ, trong năm 2023, Bộ đã tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, Bộ đã tham mưu Chính phủ thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở quan trọng để khắc phục tình trạng không ít cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm khiến công việc nhiều nơi bị trì trệ, gây ách tắc.

Qua đó tạo thêm động lực để cán bộ, công chức tự tin, bản lĩnh hơn khi đương đầu với khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, theo nội dung báo cáo của Bộ Nội vụ, một trong những công việc trọng tâm của Bộ Nội vụ được đề cập là đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

"Trong năm 2023 (1/1 - 15/12/2023), tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người (trong đó: Trung ương 983 người, gồm 110 công chức, 873 viên chức; địa phương 9.897 người gồm 866 công chức, 9.031 viên chức)", theo thống kê trong báo cáo của Bộ.

Liên quan công tác tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, căn cứ các quyết định của Bộ Chính trị về biên chế giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng để giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giai đoạn 2022 - 2026.

Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương theo quy định.

Cụ thể, năm học 2023 - 2024, các địa phương đề xuất biên chế giáo viên là 1.189.241 biên chế (tăng/bổ sung 104.656 biên chế so với năm học 2022 - 2023). Trong đó: cấp mầm non 41.542 biên chế (chiếm 39,7%); cấp tiểu học 22.485 biên chế (chiếm 21,5%); cấp trung học cơ sở 27.818 biên chế (chiếm 26,6%); cấp trung học phổ thông 12.811 biên chế (chiếm 12,2%).

Theo đó, năm học 2023 - 2024 dự kiến bổ sung 27.868 biên chế giáo viên, số còn lại sẽ bổ sung đối với các trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo đến năm 2026. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ có ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định phương án cụ thể.

Nội dung báo cáo của Bộ Nội vụ cũng đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế cán bộ trong năm qua. Về số lượng tinh giản biên chế cụ thể, từ ngày 1/1 đến 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế 7.151 người, trong đó, trung ương 146 người; địa phương 7.005 người.

Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã.

Đến nay, đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Trong năm 2023 dưới sự đôn đốc của Bộ Nội vụ, các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu hoạt động, giảm thiểu rất nhiều đơn vị.

Cụ thể, đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ (gồm 25 vụ thuộc bộ, ngành và giảm 119 vụ và tương đương thuộc tổng cục).

Giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành, giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành.

 

Dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%); đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).

Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị (năm 2022 có 46.621 đơn vị), theo báo Tuổi trẻ.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật