Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bố mẹ nuốt nước mắt nhìn con hầu tòa vì bị ép “yêu” đồng tính

(DS&PL) -

“Các em đừng khóc, ở nhà ngoan, ráng học hành và nghe lời cha mẹ. Anh đi rồi anh lại về, anh mua quần áo mới cho các em”.

Khi Khải rời nhà đi, 3 người em của Khải cũng khóc vì sắp phải xa anh. Ngày ấy, Khải ôm các em rồi nói: “Các em đừng khóc, ở nhà ngoan, ráng học hành và nghe lời cha mẹ. Anh đi rồi anh lại về, anh mua quần áo mới cho các em”. Lúc đó, Khải chưa tròn 17 tuổi. Thế nhưng ngày trở về, Khải không chỉ trắng tay mà còn mang theo một bí mật động trời chẳng dám nói với ai.

Bí mật giấu kín

Ngày Huỳnh Tuấn Khải (SN 1999, quê tỉnh Sóc Trăng) rời quê lên TP.HCM kiếm việc làm, bà nội, cha mẹ của cậu bật khóc. Họ khóc bởi “lực bất tòng tâm”, không có điều kiện để cho Khải được ăn học đàng hoàng như bạn bè cùng lứa. Họ khóc bởi cuộc sống nghèo khổ, chẳng đủ để nuôi cả gia đình. Khi Khải rời đi, 3 người em của Khải cũng khóc vì sắp phải xa anh. Ngày ấy, Khải ôm các em rồi nói: “Các em đừng khóc, ở nhà ngoan, ráng học hành và nghe lời cha mẹ. Anh đi rồi anh lại về, anh mua quần áo mới cho các em”. Lúc đó, Khải chưa tròn 17 tuổi.

Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Khải mang biết bao nhiêu hoài bão về một tương lai sáng sửa hơn cha mẹ mình. Khải phải nghỉ học từ năm lớp 6 vì gia đình không có điều kiện để nuôi cùng lúc 4 đứa con ăn học. Khải làm nhiều công việc khi đang ở tuổi đến trường. Cái vòng nghèo đói luẩn quẩn cứ thế tưởng chừng như cuốn Khải vào guồng quay của nó. Cho đến một ngày, nghe bạn bè nói làm việc ở TP.HCM có nhiều tiền, Khải quyết định rời quê. Mơ ước đổi đời của Khải bắt đầu từ đó.

Những toan tính về một tương lai không khó khăn như cha mẹ mình theo Khải suốt hành trình từ quê lên thành phố. Nhưng trải qua nhiều ngày không kiếm được việc làm vì không có chuyên môn, bằng cấp, Khải mới hiểu được rằng, làm giàu thật khó. Sau nhiều ngày lang thang, Khải cũng tìm được một chân phục vụ tại một quán trà sữa tại quận Bình Tân, TP.HCM. Làm được gần 5 tháng, đến đầu tháng 7/2017, Khải xin nghỉ việc vì tiền lương không đủ sống. Khoảng 14h ngày 29/6/2017, Khải ra bến xe Miền Tây để đón xe về quê thì gặp ông Nguyễn Văn C. (SN 1962, quê tỉnh Tiền Giang, hành nghề bán vé số dạo).

Khải không mua được quần áo cho các em mà lại khiến người thân lo lắng vì gây tội ác

Sau khi làm quen, ông C. biết Khải không có việc làm, thiếu tiền nên rủ Khải đi chơi, đồng thời hứa sẽ xin việc làm cho Khải. Khải đồng ý đi ăn uống, đi chơi với ông C.. Đến tối, ông C. mua bia về khách sạn trên đường Đỗ Năng Tế (phường An Lạc A, quận Bình Tân) nhậu và nghỉ lại qua đêm. Sáng 30/6/2017, ông C. cùng Khải xuống trả phòng. Ông C. nói đi công việc, chiều về sẽ đến đón Khải. Khải đồng ý nên cho ông C. số điện thoại của mình rồi đi đến một quán internet để chơi game. Khoảng 15h cùng ngày, ông C. quay lại đón Khải rồi cả hai đến một nhà nghỉ thuê phòng ngủ qua đêm. Trên đường đến khách sạn, ông C. mua 2 hộp cơm và bia để Khải và ông C. cùng ăn nhậu.

Ăn uống xong, Khải thấy mệt nên đi ngủ trước, còn ông C. ngồi nhậu một mình. Khoảng 5h30 ngày 1/7/2017, Khải giật mình tỉnh dậy vì cảm thấy ai đó đang sờ vào người mình. Khi tỉnh giấc, Khải thấy ông C. không mặc quần áo và đang cởi đồ của Khải để đòi quan hệ đồng giới. Không đồng ý, Khải đạp ông C. ra. Ông C. đi vào nhà vệ sinh và nói vọng ra, Khải nghe thấy việc ông C. nói với ai đó sẽ đưa mình đến cho quan hệ đồng giới nên rất bực tức.

Khi ông C. đi ra, giữa Khải và ông C. xảy ra mâu thuẫn nên Khải xách balô định rời nhà nghỉ. Tuy nhiên, ông C. không cho đi, yêu cầu Khải phải trả tiền ăn và tiền nhà nghỉ. Khải không đồng ý liền bị ông C. đánh. Khải đánh lại, vật ông C. ngã từ trên giường xuống đất, rồi dùng tay bóp cổ nạn nhân đến chết. Sau khi gây án, Khải giấu xác ông C. dưới gầm giường, lấy toàn bộ tài sản, tiền của ông C. rồi ra bến xe Miền Tây đón xe về tỉnh Sóc Trăng.

Gần 5 tháng sau ngày rời quê đi tìm cơ hội đổi đời, Khải trở về nhà với 2 bàn tay trắng cùng một bí mật động trời mà chẳng dám nói với ai. Không mua được áo mới cho các em như đã hứa, Khải ngậm ngùi theo cha làm phụ hồ và không nghĩ rằng ông C. đã chết. Nhưng điều đó lại thành sự thật và đầu tháng 10/2017, Khải tra tay vào còng trước sự hốt hoảng của người thân.

Nước mắt ngày trả giá

Lúc đầu, không ai biết Khải bị bắt vì tội gì. Bà nội Khải đã khóc cạn nước mắt vì thương cháu. Bà nói rằng, Khải là đứa cháu hiền lành của bà. Khải vướng phải kiếp nạn do lỡ quen một người không trong sáng.

Cha mẹ Khải có lẽ là những người đau khổ nhất. Họ phải nuốt nước mắt vào trong để Khải yên tâm khi ngồi trong trại tạm giam. Đến khi biết Khải đã giết người, họ rụng rời tay chân, nhưng vẫn không bỏ Khải. Họ luôn bên cạnh, động viên Khải thành thật khai báo để được hưởng sự khoan hồng. Để Khải được giảm nhẹ hình phạt, cha mẹ Khải đã vay mượn khắp nơi được 20 triệu đồng để thay con bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Khi Khải bị TAND TP.HCM, cha mẹ và cả bà nội của bị cáo lặn lội từ Sóc Trăng lên TP.HCM để dự phiên tòa. Bà nội Khải khóc suốt. Bà nói cầu mong Khải không bị tuyên nhiều năm tù. Cha mẹ Khải bình tĩnh hơn, họ nói đây là lúc Khải cần họ nhất, nên nếu con được nhẹ án, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì.

Mẹ Khải cho biết, nhà bà nghèo lắm, chẳng có đất để canh tác. Hàng ngày, bà đi làm mướn đủ thứ nghề để có tiền trang trải. Chồng bà cũng vì thương các con nên hàng ngày đi làm phụ hồ, kiếm tiền phụ vợ chăm lo cho gia đình. Dù làm lụng vất vả nhưng ông bà chẳng kiếm được là bao, chỉ đủ trang trải chi tiêu sinh hoạt cơ bản trong nhà.

Ấy thế mà khi đại diện nạn nhân yêu cầu bồi thường thêm 90 triệu đồng nữa, sau chút ngập ngừng, cha mẹ Khải đồng ý bồi thường thay con. Bởi như họ nói, điều đó sẽ giúp Khải giảm được án, dù giảm được vài tháng tù thì đó cũng là niềm vui. Và vì không có số tiền lớn như thế để bồi thường ngay, họ xin được bồi thường nhiều lần.

Về phần Khải, khi thấy cha mẹ không bỏ rơi mình, thấy bà nội cũng có mặt, bị cáo đã không kiềm chế được xúc động. Khải không vòng vo và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Khải cũng gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân, xin lỗi cha mẹ mình trong lời nói sau cùng. Đồng thời, Khải cũng mong pháp luật khoan hồng, tuyên mức án thấp đối với mình.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của Khải là nguy hiểm cho xã hội nên cần tuyên mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo mới phạm tội lần đầu, phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, thành khẩn khai báo, không có tình tiết tăng nặng hình phạt, đã khắc phục một phần thiệt hại, nạn nhân có một phần lỗi để xét giảm cho Khải một phần hình phạt.

Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt Khải 9 năm tù về tội Giết người, 1 năm tù tội Cướp tài sản, tổng hợp mức án mà Khải phải chấp hành là 10 năm tù. Bản án được tuyên, mắt Khải chùng xuống. Chẳng phải Khải sợ đi tù mà Khải sợ cha mẹ, người thân sẽ vì mình mà lo lắng, đau buồn. Phía dưới phòng xử án, cha mẹ và bà nội Khải bật khóc. Chưa bao giờ họ nghĩ rằng gia đình mình lại rơi vào hoàn cảnh như thế. Họ khóc và động viên Khải cải tạo tốt, để sớm được trở về, làm lại cuộc đời.

Công Thư

Bài đăng trên báo Đời sống & Pháp luật giấy số 71

Tin nổi bật