Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ mặt thật của ông "tướng" phò "thánh" chữa bệnh

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong khoảng thời gian "thánh giáng trần", người dân trong xã Bàu Hàm nói riêng và các bệnh nhân nói chung đã chứng kiến bao cảnh bi hài.

(ĐSPL) - Trong khoảng thời gian "thánh giáng trần", người dân trong xã Bàu Hàm nói riêng và các bệnh nhân nói chung đã chứng kiến bao cảnh bi hài.

Lời tòa soạn: Thời gian gần đây, người dân tỉnh Đồng Nai rộ lên tin cậu bé Phùng Minh Quân - 9 tuổi được"thánh" hiển linh nhập vào người để làm nhiệm vụ chữa bách bệnh cho chúng sinh bằng cách sờ vào các chỗ đau. Người dân từ các nơi kéo đến mong được "thánh" sờ cho khỏi bệnh.

Tuy nhiên, đằng sau sự việc này là cả một hệ thống cò mồi, kiếm lợi nhuận kếch xù từ việc móc túi người dân cả tín đến gặp "thánh" để mong khỏi bệnh. PV Báo Đời sống và Pháp luật đã tìm hiểu và vạch trần những chiêu trò xung quanh vị "thánh giáng trần" này.

Kỳ 2: Cận cảnh màn chữa bệnh kỳ quái của "thánh giáng trần"

Kỳ 1: Diện kiến “thánh giáng trần” trong hình hài cậu bé 9 tuổi 

Ngoài những người hàng xóm "trời cho" ở cạnh nhà "thánh", nên "ăn xái" bán hàng, giữ xe cho khách để kiếm lợi nhuận, còn có thêm những tên "cò" xe ôm, và cả những người tự xưng là "tướng bảo vệ thánh" để ăn theo.

Sau mỗi lần chữa bệnh bằng "nội công" "tướng Ba" lại xòe tay lấy tiền của bệnh nhân và nói là lấy công mát xa.

Nếm mật nằm gai đọc vị "thánh"

Việc đầu tiên mà chúng tôi chứng kiến sau mười ngày "nằm gai nếm mật" ở nhà "thánh" Quân là chuyện những quán xá mọc vô tội vạ xung quanh nhà "thánh". Từ quán ăn, quán nước, đến những người bán rong trong khu vực. Nhưng cái đó vẫn chưa phức tạp bằng việc xe máy và ô tô khắp nơi đổ về, gây ách tắc giao thông và mất an ninh trật tự khu vực.

Bà Nguyễn Thị N., một người dân ở đó cho biết: "Tôi chẳng biết thánh thần gì, nhưng người dân ở đây từ khi cháu Quân nói là chữa được bệnh, đã không còn bình yên như trước nữa. Người về đông, ăn uống xả rác, ồn ã, xã này trước đây vốn bình yên lắm, giờ lại chẳng bình yên. Mấy đứa con tôi suốt ngày sang xem "thánh", chẳng chịu làm ăn học hành gì hết".

Trong thời gian ở nhà "thánh", chúng tôi đã nghe những người khám bệnh ở đây kể lại đã có nhiều cuộc xô xát nhẹ vì tranh giành chỗ đứng, và nhiều xe ôm tranh giành khách. Một số chủ quán nước ở đây, khi được hỏi về việc cháu Quân chữa bệnh đã cố tình nói kiểu như: "Tôi nghĩ là chữa bệnh được người mới nhiều vậy, cũng nghe nhiều người nói chữa được rồi".

Trong số những người "tát nước theo mưa" để được lợi nhuận. Khi chúng tôi đang loay hoay chờ để được khám bệnh, có một tên tự xưng là Tò, lôi tay ra kéo chúng tôi ra ngoài nói nhỏ: "Có muốn được "thánh" khám riêng không? Anh đưa đi nơi ít người biết". Nghe tên Tò nói vậy, chúng tôi giả vui mừng hỏi: “Ở đâu anh?”. Tên Tò hẹn chúng tôi ngày hôm sau sẽ đưa đến nơi nhà bà nội của "thánh".

Theo chân tên Tò, chúng tôi cũng cố gắng luồn lách qua mấy con hẻm để được vào nhà bà nội "thánh". Căn nhà nhỏ đã có mấy chục người lố nhố đứng chờ, những người này đã được cánh "cò thánh" rỉ tai trước đó để đến đây.

Đúng như lời tên Tò nói, sau khi "thánh" đi học về, được ba "thánh" đưa thẳng đến đây luôn. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn "cảm ơn" bằng tiền", tên Tò nhìn chúng tôi một lát rồi hỏi: "Em là công an à?", chúng tôi nói không, hắn cố gắng bình thản nói: "Anh làm phước mà, chẳng cần tiền bạc đâu". Nhưng theo chúng tôi được biết, tên Tò này là bạn thân của gia đình "thánh". Hắn tự hào bảo: "Anh là chỗ thân thiết với nhà thánh lắm, thường vẫn rủ ông ba nó đi nhậu hoài, có gì em cứ gọi anh, anh giúp cho. Phải được "thánh" rờ lâu, chứ cả ngàn người khi nào mình mới thôi bệnh". Theo sau tên Tò, có rất nhiều tên "cò thánh" khác "tháp tùng" ba con nhà "thánh" đi chữa bệnh.

Và chân dung "tướng giáng trần" phụ "thánh" chữa bệnh

Ngoài những "đệ tử" thường chạy xe lòng vòng theo, các bà các anh chị nhà "thánh" bán nước, gom tiền và lễ vật cúng, "thánh" còn có thêm “đệ tử” là "tướng Ba" ở bài kỳ trước chúng tôi đã nhắc đến. Người đàn ông này khoảng hơn 60 tuổi, ngày đầu chúng tôi mới đến, "tướng Ba" trong vai một bệnh nhân, gặp ai cũng khoe: "Tôi bị điếc từ nhỏ, sang “thánh” chữa cho bây giờ nghe được rồi, “thánh” giỏi lắm, bệnh gì cũng chữa được".

Nhưng chỉ vài ngày sau, sau khi tuyên bố "khỏi bệnh", "tướng Ba" cũng ra "văn bản mồm" bảo với mọi người rằng: "Ta được thánh nhập vào, phong làm tướng của Việt Nam sau này, cũng có thể chữa bệnh được bằng cách bệnh nhân rờ vào tượng thánh trước, sau đó "tướng Ba" sẽ dùng nội công thâm hậu đẩy lùi bệnh tật ra khỏi người, hoặc nếu ai bị ma quỷ ám ta đều làm được hết".

Sau khi tuyên bố vậy, nhiều bệnh nhân đã răm rắp tin, có một anh đang bế con nhỏ bị bại liệt, đến cầu cứu "tướng Ba". Người đàn ông tội nghiệp nói: "Tướng" rờ giúp cho cháu nó chút". "Tướng Ba" dõng dạc hỏi: "Nhà ngươi đã cho thằng bé rờ vào tượng thánh chưa, rờ vào ta mới truyền nội công được". Người đàn ông cuống cuồng bế con đến bàn thờ, cầm tay con với lên để chạm được tượng thánh, sau đó đưa đến "tướng Ba". Thấy con bệnh "cầu cạnh" mình, khuôn mặt "tướng Ba" rất đắc chí, cũng như lần trước, "tướng Ba" dùng "nội công" để chữa bệnh cho cháu bé. Sau mỗi lần như vậy, "tướng Ba" cười cười nói với người bệnh: "Ta chữa cho là phải có tiền nhé, ta lấy mười ngàn thôi". Được "tướng" chữa bệnh mà chỉ có mười ngàn, nên nhiều người cũng rút tiền ra đưa cho "tướng Ba".

Với những bệnh nhân, "tướng Ba" cũng như một đệ tử thân thiết của "thánh", đôi khi còn hơn "thánh" khi "thánh" từ chối những con bệnh mà theo phỏng đoán là "ma quỷ" nhập vào, thì "tướng Ba" "đăng cai" được hết. Những đối với người dân địa phương, thì người ta bảo "tướng Ba" là đồ man mát. Chị K. một hàng xóm của "tướng Ba" cho biết: "Ông ấy giống khùng lắm chị ơi! Có vợ con rồi, có điếc gì đâu mà nói chữa lành. Ông ban ngày đi chơi, ban đêm đi hái nhãn, có khi rảnh thì ban ngày đi hái nhãn mà đưa đèn pin cột trên đầu, chửi con đánh vợ cả ngày. Vợ ổng mấy tháng trước còn bảo là ổng bị ma nhập, có thầy nào yểm được bùa thì bả đi đó, không hiểu sao mọi người lại tin vào chuyện đó".

Còn anh H. một bạn bộ đội của "tướng Ba" thì cười bảo: "Cái thằng dở hơi, hôm trước còn về bắt vợ chia vườn tược ra để xây làm nhà thánh. Từ ngày bé Quân nó làm "thánh", ông chạy sang như tay sai vậy, xếp hàng cho mọi người, rồi cũng chữa bệnh, xưng là tướng này nọ". Nhiều người chứng kiến, "tướng Ba" mê làm "tướng" đến nỗi quên ăn quên ngủ, suốt ngày túc trực ở bên nhà "thánh", làm bất cứ việc gì liên quan đến chữa bệnh.

Phía sau "rèm thánh"

Trong suốt cuộc hành trình cùng với "thánh", chúng tôi nhận thấy, ngoài những anh em bạn bè hàng xóm của gia đình "thánh" người có một vai trò trong việc chữa bệnh, thì ba mẹ "thánh" cũng là một trong những thành viên tích cực hỗ trợ "thánh". Theo quan sát của chúng tôi, cha nuôi của "thánh" là ông Phùng Văn Độ (SN 1965) là người chuyên chở "thánh" đi khám bệnh. Khi "thánh" tỏ ý mệt mỏi không khám theo yêu cầu bệnh nhân nào đó, thì ông Độ sẽ dỗ dành "thánh" ráng chữa cho họ. Còn bà Nguyễn Thị Tất (SN 1963) thì ít khi lộ diện, mọi công việc đều do một người tự xưng làm em gái ông Độ lo hết, từ khâu bán hàng đến gom tiền cúng.

Nhưng khi bệnh nhân đông, bà Tất cũng ra hướng dẫn họ xếp hàng, rồi thỉnh thoảng nói đôi câu: "Xếp hàng khám nhanh đi, không cháu nó mệt, từ hôm đó nó xỉu hoài đó". Rồi bà cho người nhà nấu cơm cho những bệnh nhân khi ai có nhu cầu, cũng theo như lời người dân ở đây, thì gia đình ông Độ và bà Tất bảo, tiền thờ cúng của bệnh nhân, người nhà sẽ không lấy, mà để dành xây nhà thờ cho "thánh" ở (?). Cũng theo người nhà "thánh", thì việc chữa bệnh là làm phúc chứ không vì lợi nhuận (?). Nhiều người tỏ ý thương xót "thánh" vì làm việc quá sức, từ sau khi làm "thánh" chúa Quân đã sụt cân, và điều đau lòng hơn là lực học của cháu rất giảm sút.

Trong khi "thánh" kiệt sức vì khám chữa bệnh, những bệnh nhân thì chờ đợi mỏi mòn, và đôi người ảo tưởng về việc chữa bệnh. Nhưng bao ngày trôi qua, chưa có bất cứ người nào chính thức khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân đã bỏ về, nhiều người có đơn tố cáo "thánh" đã không chữa hết bệnh cho họ, và điều đặc biệt, những người dân địa phương nơi cháu Quân ở, chưa ai được chữa khỏi bệnh và cũng chẳng ai tin được việc cháu Quân có thể thành thánh.

"Thánh" có sự chỉ đạo của ba mẹ?

Dù ông Độ và bà Tất một mực phủ nhận, mình không liên quan đến chuyện cháu Quân chữa bệnh, đó chỉ là do cháu tự nhận, và những người dân đến. Nhưng gia đình ông Độ đã không có một động thái nào ngăn cản chuyện này, mà còn đưa đón cháu Quân chữa bệnh, không những một địa điểm, mà chính ông Độ đã đưa cháu Quân đến nhiều địa điểm để chữa bệnh cho các bệnh nhân.

Hương Sen – Quốc Triệu

Tin nổi bật