Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bó hoa gừng ngát xanh trong ký ức cô giáo trẻ quyết bám trường để dạy học ở vùng cao

(DS&PL) -

Vào nghề được nhiều năm nhưng với cô Thùy, bó hoa gừng trong buổi khai giảng đầu tiên khi gắn bó với ngôi trường vùng cao vẫn để lại vô vàn cảm xúc.

Cơ duyên "gieo mầm xanh" trên vùng núi đá

Hòa chung không khí tưng bừng của cả nước chuẩn bị khai giảng năm học mới, những ngày này thầy và trò trường THPT Lục Khu (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cũng đang nô nức chào đón một năm học mới đầy hứng khởi.

Gắn bó với điểm trường xây dựng ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng cũng được 4 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thùy (GV Ngữ văn, trường THPT Lục Khu) chia sẻ, ngày khai trường năm nào cũng đem đến nhiều cảm xúc, những bùi ngùi cho thầy và trò ở vùng cao: "Tôi hồi hộp mong mỏi sớm đến ngày tựu trường để được gặp lại đồng nghiệp, cùng sửa sang lại trường lớp để chào đón các em học sinh vào năm học mới".

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về cơ duyên “gieo mầm xanh” trên vùng núi đá còn nhiều khó khăn này, cô Thùy giãi bày, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn- trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô tiếp tục học lên cao, bảo vệ thành công luận văn và lấy bằng thạc sỹ.

Tốt nghiệp Thạc sỹ Ngữ văn tại trường ĐHSP Hà Nội, cô giáo Thùy từ chối nhiều cơ hội ở lại thành phố, quyết tâm ở lại bản và dạy học vì thương học sinh vùng cao.

Thời điểm đó, ở thành phố, cô có khá nhiều sự lựa chọn và cơ hội thăng tiến trong nghề. Tuy nhiên, vốn cũng sinh ra tại một xã miền núi khó khăn, chứng kiến nhiều người bạn cùng trang lứa của mình vì không có cơ hội được học cao, không có cơ hội phấn đấu nên cuộc sống rất gian nan, cô không đành lòng nhìn những đứa trẻ vùng cao tiếp tục lặp lại vòng luẩn quẩn vì không được đi học. Vì vậy, cô Thùy đã từ chối nhiều cơ hội để quyết tâm ở lại bản và dạy học. Bởi cô tin rằng, giáo dục sẽ thay đổi được con người, thay đổi cuộc sống.

Cũng theo lời cô Thùy, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng cao khu vực huyện Hà Quảng được đến trường, hiện, điểm trường THPT Lục Khu được xây dựng khang trang, khuôn viên đã được bê tông hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, hành trình "gieo chữ" của các thầy cô, con đường đến trường của các em học sinh nơi đây vẫn còn rất nhiều gập ghềnh, gian nan.

Khuôn viên được bê tông hóa khang trang nhưng đường đến trường của thầy cô và các em học sinh nơi đây vẫn còn rất nhiều gập ghềnh, gian nan.

Từ trung tâm huyện đến điểm trường, các thầy cô phải đi qua con đường gồ ghề đá hộc, trơn trượt, quanh năm sương mù bao phủ, một bên là chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm, nhưng cô Thùy kể đi nhiều cũng thành quen, thậm chí còn thuộc cả những con dốc, những tảng đá ven đường.

Vất vả nhất là những ngày mưa, đến trường mà không khác gì vừa đi “làm nương” về. Đường trơn trượt, lầy lội, bộ quần áo mưa mặc ngoài cũng đổi màu bùn đất..."Có những đoạn dốc, xe trôi tự do không cần nổ máy. Tôi cùng đồng nghiệp phải rà phanh thật chậm, tập trung tinh thần vì chỉ cần sơ sảy tay lái cũng rất nguy hiểm. Đấy là còn chưa kể có những đoạn đất đá sạt lở, chắn hết cả đường đi", cô Thùy cho biết.

Con đường tới trường sương mù bao phủ, một bên là chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm.

"Đa số các học sinh của tôi đều là người dân tộc Nùng, H'mong, bố mẹ sống bằng nghề nương rẫy nên rất khó khăn. Niềm an ủi lớn nhất của những giáo viên như tôi là không phải đến từng nhà vận động phụ huynh và các em học sinh đến trường mà các em đều rất ngoan ngoãn, chăm chỉ.

Ham học nhưng do gia cảnh vất vả quá, không ít em học sinh tại trường THPT Lục Khu phải bỏ học để ở nhà làm nương rẫy giúp bố mẹ, sách vở không đủ, phương tiện đi lại không có trong khi nhà xa trường đến 30, 40km", cô Thùy cho biết.

Thương các em học sinh, trong suốt những năm gắn bó với điểm trường này, điều mà cô Thùy trăn trở không phải là điều kiện sống khó khăn nơi vùng cao hay những cơ hội trở về thành phố giảng dạy, mà là làm sao để các em được đến trường đầy đủ, thuận lợi tốt nghiệp ra trường, có học bổng để tiếp tục đi học nghề hoặc các trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp; thay đổi được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Bó hoa đặc biệt trong lễ khai giảng đầu tiên

Lễ khai giảng của cô và trò trường THPT Lục Khu.

Nữ giáo viên cho hay, hành trình gieo chữ ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này khó khăn và thiếu thốn đủ bề khiến cô cũng như nhiều đồng nhiệp không khỏi chạnh lòng khi phải xa con, xa gia đình. Nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh mắt sáng lấp lánh, nụ cười trong veo đến vô cùng và tình cảm chân thành của các em học sinh nơi đây, cô lại có thêm động lực để tiếp tục bám bản suốt nhiều năm qua.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng cô Thùy vẫn rất nhiệt huyết với nghề, hết lòng vì các em học sinh và yêu thương các em như là những đứa con, đứa em ruột thịt.

Bó hoa gừng đặc biệt trong lễ khai giảng đầu tiên mà cô Thùy nhận được là từ cây nông sản của vùng núi Lục Khu, gia đình các em học sinh nơi đây trồng để có thu nhập về kinh tế.

"Vào nghề đã được 4 năm, gắn bó với ngôi trường THPT Lục Khu kể từ khi ra trường đến nay là một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn. Với tôi, nhà trường giống như ngôi nhà thứ 2 chất chứa biết bao niềm vui, kỷ niệm về những "lần đầu tiên" đứng trên bục giảng. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in bó hoa tôi nhận được khi lần đầu tiên được dự lễ khai giảng tại trường, Đó là bó hoa gừng xanh ngát- một loại cây nông sản của vùng núi Lục Khu gia đình các em trồng để có thu nhập về kinh tế. Bó hoa đó giản dị, mộc mạc nhưng lại khiến tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng và càng thêm quyết tâm gắn bó với các em học sinh nơi đây", cô Thùy tâm sự.

Những tấm hình, từng dòng chia sẻ của cô Thùy chỉ là 1 phần rất nhỏ, chưa nói được hết khó khăn, vất vả của giáo viên vùng cao. Thế nhưng cũng đủ để khiến cho những ai được thấy, được nghe phải nghĩ suy, trăn trở về công việc, hoàn cảnh của nhiều thầy trò vùng cao.

Chỉ biết nghiêng mình cảm phục tấm lòng của các thầy cô vùng cao- những người đang góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, mang trẻ em vùng cao ngày càng gần với đồng bằng hơn.

Dưới những mái trường vùng cao như trường THPT Lục Khu, có thể thấy không chỉ có sự hi sinh, khát khao cống hiến và những nỗ lực bền bỉ của hàng nghìn thầy cô giáo mà còn có cả nghị lực phi thường, mong mỏi được đến trường, khát khao "con chữ" của các em học sinh.

Mong rằng các em học sinh vùng cao vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về vật chất, về điều kiện sống sẽ biết vượt qua khó khăn trong học tập để mai này, các em sẽ thay đổi được cuộc sống của bản thân, của gia đình và cộng đồng của mình.

Bạch Hiền

Tin nổi bật