Xin ý kiến bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Báo Tin tức đưa tin, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, việc thực hiện chính sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo cũng là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Một nhà giáo được thăng hạng không chỉ chứng tỏ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mình, nhà giáo đó còn được hưởng chế độ chính sách về tiền lương.
Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và đang xin ý kiến, trong đó có dự thảo chỉ còn lại hình thức xét thăng hạng, bỏ thi thăng hạng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Báo Tin tức.
"Dù là thi hay xét thăng hạng thì đều với mục đích để đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ căn cứ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đối với thi, tất nhiên có yêu cầu về nội dung, chúng ta biết xác thực chuyên môn nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng để các giáo viên hình thành, phát triển năng lực của mình. Thi thì phải ôn thi, chuẩn bị nội dung, kiến thức. Việc này có thể khi giáo viên đang công tác thì phải dành nhiều thời gian ôn thi, chi phí tốn kém trong quá trình tham gia", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Việc xét thăng hạng, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá có yếu tố tích cực hơn. Chắc chắn những người tham gia xét thăng hạng là những người có hiểu biết, đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên một cách sát thực nhất thay vì chỉ làm thông qua một bài thi. Qua việc xét đó có thể đánh giá cả quá trình, sẽ bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn.
Như vậy, việc xét thăng hạng để được chức danh mang lại động lực rất tốt, nhưng được xét một cách minh bạch, công bằng, chính xác thì tạo động lực tốt hơn cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp của mình.
“Đây chỉ là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng giáo viên bỏ việc, chứ không phải tất cả”, ông Sơn cho biết thêm, theo VTC News.
Tránh lạm thu đầu năm học
Cũng trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 9/9, khi được hỏi về biện pháp để tránh lạm thu đầu năm học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, kinh phí để duy trì tái đầu tư các trường đại học đến từ 3 nguồn chính đó là: Học phí đào tạo; ngân sách nhà nước; hợp tác với doanh nghiệp, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân.
Với chức năng của Bộ GD&ĐT, Bộ có vai trò chủ yếu giao xây dựng quy định về học phí đối với các trường đại học công lập trình Chính phủ ban hành. Trong những năm qua, trần học phí không tăng dẫn đến khó khăn cho các trường đại học trong việc duy trì hoạt động cũng như tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.
Ông Hoàng Minh Sơn thông tin về việc Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81, xin ý kiến bộ, ngành, đang trong quá trình hoàn thành thủ tục để xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Nghị định được thông qua sẽ góp phần giúp các trường đại học tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo.
Nguồn kinh phí thứ hai từ ngân sách nhà nước qua các kênh, cơ quan quản lý trực tiếp. Bộ GD&ĐT quản lý 34 trường đại học, còn các trường đại học khác trực thuộc các bộ, ngành, địa phương. Kinh phí này từ hai nguồn ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nguồn thứ ba phụ thuộc nhiều vào các trường đại học, năng lực, sự năng động của lãnh đạo các trường về hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đội ngũ cựu sinh viên, các nhà hảo tâm để có thể huy động thêm nguồn lực này.
Về biện pháp tránh lạm thu ở các trường đầu năm học mới, ông Sơn cho rằng, với giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Văn bản có rồi, các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức; Đối với các trường đại học, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Việc này thanh tra kiểm tra thuộc các cơ quan quản lý trực tiếp.
Với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra. Bộ quy định rất rõ về công khai minh bạch, đặc biệt trong tuyển sinh, công khai các khoản thu cho năm học thứ nhất và cả khóa học. Trường nào không thực hiện đúng cam kết này thì sẽ bị xử lý, Sức khoẻ và Đời sống thông tin.
Phương Linh (T/h)