Ngày khai giảng năm học mới sắp đến gần, tại Hà Nội sẽ có khoảng 2,2 triệu học sinh và 2.840 trường học tham gia lễ khai giảng. Trong năm học mới, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đã quán triệt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng trang trọng, tiết kiệm, đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu thế, học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh khó khăn không được tới lớp.
Trước thềm năm học mới, việc chuẩn bị tốt mọi điều kiện để học sinh tựu trường thì việc thu chi đầu năm cũng được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm và quan ngại về vấn đề lạm thu.
Về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: Dân trí
Theo ông Trần Thế Cương, ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài Chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.
Vấn đề thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện, theo Dân trí.
Nói thêm về vấn đề này, dẫn lời ông Cương trên báo Tiền phong: "Khi ngành đã có những hướng dẫn, quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng các trường học sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền. Khi có thông tin dư luận phản ánh và đơn vị kiểm tra, phát hiện cơ sở vi phạm thu chi không đúng nguyên tắc thì trách nhiệm cũng thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục đó."
Được biết, trong năm học mới, Sở đã giải quyết được khoảng 6.000 giáo viên cho việc thiếu giáo viên của các nhà trường. Đây là một số cố gắng rất lớn của thành phố cũng như ngành giáo dục. Các giáo viên được tuyển chọn qua việc Sở tổ chức thi tuyển 608 chỉ tiêu viên chức giáo dục làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập. Song song đó, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức tuyển dụng và thành phố giao ký hợp đồng 3.112 giáo viên.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, một số Phòng GD&ĐT có cách làm rất hay đó là tạo “ngân hàng” giáo viên, tập hợp lực lượng giáo viên các bộ môn sẵn sàng chi viện, hỗ trợ các nhà trường.
Trung bình mỗi năm Hà Nội tăng 50.000 -60.000 học sinh. Chỉ tính năm học tới, riêng học sinh lớp 6 tăng gần 37.000 em đòi hỏi các quận, huyện, thị xã quan tâm, sửa chữa, xây mới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trên thực tế, địa phương đang thừa, thiếu chỗ học cục bộ, trong đó một số quận nội đô có nhiều chung cư cao tầng thiếu chỗ học, thiếu quỹ đất xây trường. Năm học tới, địa phương tập trung nguồn lực xây mới 36 trường học ở các cấp, hi vọng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT thì Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau đây: - Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. - Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: + Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; + Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; + Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; + Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; + Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; + Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. |
Bảo An (T/h)