Liên quan đến "lùm xùm" bằng cấp của ông Vương Tấn Việt gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, tối 13/8, Bộ GD&ĐT đã thông tin ban đầu về vụ việc.
Cụ thể, VTC News dẫn thông tin cho hay, ngay sau khi dư luận xôn xao về các văn bằng, bằng tốt nghiệp THPT bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt, Bộ GD&ĐT đã yêu các đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan báo cáo.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên tinh thần và nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Về vấn đề ông Vương Tấn Việt chưa tốt nghiệp THPT bổ túc văn hóa, Bộ GD&ĐT bước đầu xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục xác minh đây có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt hay không. Nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.
Bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa được cho là của ông Thích Chân Quang được lan truyền mạng xã hội. Ảnh: VTC News
Đối với quá trình học tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt tại trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, xác minh quá trình đào tạo. Quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật. Hồ sơ tuy có một số thiếu sót nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo.
Về chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, Bộ GD&ĐT đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Trả lời trên báo Dân trí về "lùm xùm" bằng cấp của ông Vương Tấn Việt vào trưa 13/8, lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội cho biết, nhà trường vừa nắm được thông tin.
"Hiện chúng tôi chưa nhận được yêu cầu hay văn bản nào từ Bộ GD&ĐT về trường hợp của ông Vương Tấn Việt. Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ thực hiện, xử lý bằng đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT", lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội cho biết.
Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội thông tin với báo chí cho hay, về nguyên tắc, khi nào có văn bản của cơ quan quản lý, nhà trường sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang). Ảnh: Dân trí
Trước đó, trong sáng 13/8, báo Công an Nhân dân dẫn lời đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi, không được cấp bằng tốt nghiệp THPT bổ túc khóa ngày 6/6/1989.
Cụ thể, ngày 7/8/2024, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM ký công văn số 4811/SGDĐT-KTKĐ, về việc xác minh văn bằng tốt nghiệp THPT bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.
Ngày 30/7, Sở GD&ĐT TP.HCM có buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt.
Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ, gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông, danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ông Vương Tấn Việt (SN 1959) như sau: Không có tên trong danh sách dự thi, bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bổ túc văn hóa năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp THPT bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.