(ĐSPL) – Mới đây, Bộ Công thương đã sửa đổi văn bản đã ban hành trước đó về việc chỉ định các cán bộ đi công tác… phải mua vé máy bay giá rẻ của VietJet Air.
Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ cho biết, trước đó, để giảm bớt chi phí, Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị khi đi công tác trong nước bằng máy bay, mua vé máy bay giá rẻ của Vietjet Air. Không ai phản đối, thậm chí rất hoan nghênh việc Bộ Công thương thực hành tiết kiệm.
Tuy nhiên, dư luận tỏ ra không đồng tình trong chuyện Bộ Công thương chỉ định đích danh Hãng VietJet Air là địa chỉ để mua vé máy bay.
Sau đó, Bộ Công thương phải ban hành thông báo mới và sửa đổi nội dung thành: “Các đơn vị khi đi công tác trong nước bằng máy bay, mua vé của các hãng hàng không giá rẻ...”.
|
Việc các cơ quan nhà nước chỉ định cán bộ, nhân viên của mình đi máy bay của hãng này hoặc hãng khác là có thể tạo ra bất công trong kinh doanh. Trong ảnh: hành khách lên máy bay của Hãng Jetstar (trên) và VietJet Air. |
Điều này có nghĩa là bỏ chỉ định phải mua vé của Hãng hàng không VietJet Air. Theo đại diện Bộ Công thương, sở dĩ trong thông báo trước có quy định mua vé máy bay của Hãng VietJet Air là do... lỗi đánh máy.
Được biết, đây không phải trường hợp hy hữu về việc ra văn bản gây tranh cãi, trước đó UBND tỉnh Nghệ An cũng đã bị “tuýt còi” vì kêu gọi uống bia Sài Gòn. Vào khoảng tháng 8/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ra công văn kêu gọi uống bia Sài Gòn
Sau đó, tới tháng 10/2014, Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp đã có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc tỉnh này có công văn kêu gọi uống bia Sài Gòn. Theo Cục Kiểm tra văn bản, công văn của tỉnh Nghệ An có một số quy định mang tính quy phạm pháp luật, chưa phù hợp về hình thức văn bản quy định tại Luật ban hành văn bản QPPL.
Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản, việc UBND tỉnh Nghệ An đưa ra nội dung chỉ đạo nêu trên là không có căn cứ pháp lý. Những nội dung chỉ đạo này đã tạo ra sự “phân biệt đối xử”, “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp sản xuất bia ở Việt Nam, trái với quy định của Hiến pháp, trái với Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh. Điều này tạo ra hình ảnh và môi trường đầu tư,kinh doanh không bình đẳng, tạo ra lợi ích cục bộ, địa phương.
Do đó, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiến hành tự kiểm tra, hủy bỏ nội dung chưa phù hợp tại Công văn số 5290 và thông báo kết quả xử lý sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cho Cục Kiểm tra văn bản.
Tương tự, đối với Công văn số 1747 UBND tỉnh Quảng Nam ngày 14/5, với nội dung “yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện “ký hợp đồng mua xi măng với Công ty CP Xi măng Xuân Thành 2” nhằm “hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2”. Cục Kiểm tra văn bản cũng cho biết, nội dung công văn của tỉnh Quảng Nam đưa ra có một số quy định mang tính quy phạm pháp luật, chưa phù hợp. Do đó, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành tự kiểm tra, hủy bỏ nội dung chưa phù hợp tại công văn số 1747 để tránh tạo ra tiền lệ không tốt nếu nhiều địa phương cũng có chủ trương tương tự.